Back to E-magazine
e magazine
17:16 | 09/03/2021
NHÀ NGOẠI GIAO KỂ CHUYỆN. Kỷ niệm 10 năm chiến dịch giải cứu lao động Việt Nam tại Libya và những câu chuyện chưa kể (Kỳ I)

17:16 | 09/03/2021

TGVN. Thắm thoắt đã 10 năm trôi qua kể từ khi chiến dịch giải cứu hơn 10.200 lao động Việt Nam tại Libya kết thúc thành công. Dù chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, nhưng những nỗ lực bảo hộ công dân khi đó đã được các cơ quan liên ngành ở trong và ngoài nước phối hợp triển khai một cách nhịp nhàng và kịp thời, được cộng đồng quốc tế coi là “hình mẫu”.
NHÀ NGOẠI GIAO KỂ CHUYỆN. Kỷ niệm 10 năm chiến dịch giải cứu lao động Việt Nam tại Libya và những câu chuyện chưa kể

Thắm thoắt đã 10 năm trôi qua kể từ khi chiến dịch giải cứu hơn 10.200 lao động Việt Nam tại Libya kết thúc thành công. Dù chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, nhưng những nỗ lực bảo hộ công dân khi đó đã được các cơ quan liên ngành ở trong và ngoài nước phối hợp triển khai một cách nhịp nhàng và kịp thời, được cộng đồng quốc tế coi là “hình mẫu”.

Khi được Ban biên tập giao nhiệm vụ thực hiện tuyến bài về sự kiện kỷ niệm 10 năm chiến dịch giải cứu lao động Việt Nam tại Libya, tôi không khỏi hoang mang. Hoang mang là bởi trong đầu tôi chưa nghĩ ra được ý tưởng triển khai bài vở, phần nữa là vì thời điểm diễn ra chiến dịch, tôi chưa quan tâm nhiều đến tình hình chính trị quốc tế.

Thế nhưng, sau thời gian tìm hiểu thông tin cơ bản và xin phương thức liên lạc của những “người trong cuộc”, tôi đã bắt tay đi tìm kiếm tư liệu.

Ở cái thời cách mạng công nghiệp 4.0, chỉ qua một lời mời kết bạn trên Zalo với lời nhắn nhủ ngắn ngủi vẻn vẹn trong 60 chữ, tôi đã nhanh chóng được Đại sứ Đoàn Xuân Hưng, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao chấp nhận kết bạn. Những điều tôi tò mò, những câu chuyện đằng sau cả một chiến dịch bảo hộ công dân có quy mô lớn như vậy đã được Đại sứ Đoàn Xuân Hưng từ từ gợi mở.

NHÀ NGOẠI GIAO KỂ CHUYỆN. Kỷ niệm 10 năm chiến dịch giải cứu lao động Việt Nam tại Libya và những câu chuyện chưa kể
NHÀ NGOẠI GIAO KỂ CHUYỆN. Kỷ niệm 10 năm chiến dịch giải cứu lao động Việt Nam tại Libya và những câu chuyện chưa kể

Tưởng như mới đó, vậy mà đã 10 năm rồi. Thời gian trôi đi thật nhanh. Những ngày này đúng 10 năm trước đây, tôi còn đang ở Tunisia, nơi sát biên giới với Libya, cùng anh em trong Đoàn công tác ra nước ngoài tìm cách sơ tán khoảng 10.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Libya về nước, khi tình hình bên Libya đang có biến động chính trị lớn.

Đây là đợt giải cứu công dân Việt Nam, người lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài lớn nhất cho đến thời điểm đó. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên việc sơ tán người lao động được tiến hành có tổ chức chặt chẽ, bằng nguồn lực do Chính phủ ta tự quyết định.

Chỉ trong vòng chưa đầy 10 ngày (từ ngày 28/2/2011 đến 9/3/2011), toàn bộ số lao động Việt Nam làm việc ở Libya được sơ tán khỏi lãnh thổ nước này một cách an toàn tuyệt đối, không có thương vong, không ai bị thương, không để xảy ra sự cố đáng tiếc nào.

Tôi được biết, sau này, Tổ chức Di dân quốc tế (IOM) coi việc Chính phủ Việt Nam sơ tán công dân thành công này là một hình mẫu điển hình, đáng học tập của IOM.

Tôi còn nhớ như in những ngày sôi động, đầy xúc động này, đặc biệt khi được giao trọng trách là Trưởng đoàn công tác ngoài nước thực hiện nhiệm vụ quan trọng như vậy.

Còn nhớ, cuối tháng 2/2011, sau những biến cố chính trị tại Bắc Phi và các sự kiện “Mùa xuân Arab”, tình hình chính trị-xã hội ở một số nước Bắc Phi hết sức phức tạp: thay đổi chính phủ, bạo loạn chính trị, bất ổn xã hội. Lãnh đạo Đảng và Chính phủ Việt Nam đã có quyết định rất mau lẹ: thành lập một Ban công tác với thành phần là đại diện một số bộ, ngành liên quan, do một đồng chí Phó Thủ tướng đứng đầu, để lo việc sơ tán công dân, người lao động Việt Nam ở những vùng/nước có bất ổn chính trị-xã hội, có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của công dân ta.

Libya, nơi có trên 10.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở đó, là nước đang có biến động chính trị-xã hội dữ dội sau khi Tổng thống Gaddafi bị lật đổ và bị sát hại, đã được chọn là nơi phải sơ tán gấp công dân về nước.

Còn nhớ, tôi vừa kết thúc chuyến công tác tại châu Âu về nước chiều 24/2, ngay sáng ngày 25/2, đồng chí Phạm Bình Minh (lúc đó là Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao) đã trao đổi với tôi và quyết định cử tôi sang dự cuộc họp tại Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì vào chiều cùng ngày, bàn về việc triển khai sơ tán người lao động Việt Nam, trước hết là ở Libya, về nước.

Mặc dù vừa đi công tác về, nhưng không hiểu sao tôi lại được Lãnh đạo Bộ Ngoại giao tín nhiệm cử đi dự cuộc họp quan trọng này. Được biết, hôm đó là ngày họp Bộ Chính trị, nhưng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã xin phép vắng mặt để chủ trì cuộc họp khẩn cấp và quan trọng này. Điều đó cho thấy tính cấp bách và tầm quan tọng của công việc này.

NHÀ NGOẠI GIAO KỂ CHUYỆN. Kỷ niệm 10 năm chiến dịch giải cứu lao động Việt Nam tại Libya và những câu chuyện chưa kể (Kỳ I)
Ông Nguyễn Thành Nam, Phó trưởng đại diện Văn phòng Vietnam Airlines tại Pháp, bắt tay Thứ trưởng Đoàn Xuân Hưng trước giờ cất cánh chuyến bay cuối cùng rời Tunisia.

Theo trí nhớ của tôi, tại cuộc họp, Thủ tướng đã quyết định: 1) Khẩn trương, bằng mọi cách sơ tán toàn bộ số lao động Việt Nam ở Libya về nước; 2) Công việc này được đặt dưới sự chỉ đạo của Ban Công tác liên ngành, do Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm phụ trách; 3) Hàng không Việt Nam chịu trách nhiệm việc đưa máy bay sang đón lao động Việt Nam về nước; 4) Toàn bộ khâu đón tiếp, bố trí trong nước giao cho Nhóm công tác liên ngành do đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội phụ trách; 5) Cử Đoàn công tác ra nước ngoài để thu xếp việc sơ tán, do một đồng chí Thứ trưởng Ngoại giao trực tiếp dẫn đầu và chỉ đạo…

Sáng ngày 26/2 năm ấy, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm và Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân đã chủ trì cuộc họp tại trụ sở Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, bàn việc triển khai quyết định của Thủ tướng.

Cuộc họp đã quyết định thành lập các Đoàn, đội công tác trong và ngoài nước, gồm đại diện các bộ, ngành liên quan và các phương án triển khai cụ thể. Ngay sau cuộc họp, tại hành lang của Trụ sở Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tôi được Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Gia Khiêm cử làm Trưởng đoàn công tác ngoài nước, chịu trách nhiệm chỉ huy toàn bộ các nhóm công tác ở ngoài nước, trực tiếp sang chỉ huy việc sơ tán lao động ở Libya. Sau này mọi người nôm na gọi là “Chỉ huy trưởng” hoặc “Tư lệnh chiến dịch giải cứu người lao động ở Libya”. Vinh dự ra phết!

NHÀ NGOẠI GIAO KỂ CHUYỆN. Kỷ niệm 10 năm chiến dịch giải cứu lao động Việt Nam tại Libya và những câu chuyện chưa kể

Tại cuộc họp được tổ chức tại Trụ sở Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ngày 26/2, sau khi đã bàn bạc kỹ lưỡng mọi việc liên quan, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm kết luận hội nghị.

Trong phần kết luận, Phó Thủ tướng có chỉ đạo “Sở chỉ huy tiền phương”, tức là nhóm công tác ngoài nước do Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách, cần được đặt ở nơi gần Libya để dễ dàng xử lý tình huống và chỉ huy việc sơ tán công dân.

Tuy nhiên, ra bên ngoài “lạ nước, lạ cái”, Đoàn công tác này cần dựa vào các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, có lẽ nên đặt cạnh một trong các Đại sứ quán ta ở khu vực. Ở đó, Đoàn có thể nhận được sự hỗ trợ của các Cơ quan đại diện như hỗ trợ về hậu cần, phương tiện đi lại, liên lạc, vừa đảm bảo an toàn cho các thành viên, vừa có điều kiện giải quyết công việc. Nếu ở nơi cách xa Cơ quan đại diện, Đoàn sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Tiếp lời Phó Thủ tướng, tôi giơ tay xin được đề xuất ý kiến. Tôi nói rằng, ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Thủ tướng là hết sức chính xác, mang đầy tính thực tế và nhân văn. Tuy nhiên, tôi xin được nêu một đề xuất “táo bạo”. Nhìn trên bản đồ, Tripoli - thủ đô của Libya, rất gần với biên giới Tunisia. Nếu đặt Sở chỉ huy ở khu vực biên giới Tunisia - Libya, nơi gần nhất với Tripoli – địa điểm có phần lớn lao động Việt Nam đang tập trung, lại gần Đại sứ quán ta, thì có thể đưa lao động người Việt ra khỏi Libya nhanh nhất. Chỉ cần đưa được họ ra khỏi biên giới an toàn, ta sẽ có cách đưa họ về nước sớm. Đây sẽ là cách tốt nhất, hiệu quả nhất.

Sau đề xuất của tôi, ông Trần Trung Tín, Thiếu tướng, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng, người được Bộ Quốc phòng cử tham dự cuộc họp, cũng giơ tay phát biểu. Ông Tín nói đề xuất trên của đồng chí Đoàn Xuân Hưng là hoàn toàn chính xác và ông rất ủng hộ ý kiến này.

Ông nói: “Trong quân sự, Sở chỉ huy chiến dịch, tướng cầm quân phải được bố trí ở những nơi như vậy”. Cả hội nghị nhìn bản đồ, thấy rất rõ Tripoli sát ngay biên giới với Tunisia và đều tán thành. Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã lập tức nhất trí với đề xuất trên của tôi và ý kiến của các đại biểu dự hội nghị. Cũng ngay sau cuộc họp đó, Phó Thủ tướng đã chỉ định tôi dẫn đầu Đoàn công tác này.

NHÀ NGOẠI GIAO KỂ CHUYỆN. Kỷ niệm 10 năm chiến dịch giải cứu lao động Việt Nam tại Libya và những câu chuyện chưa kể
NHÀ NGOẠI GIAO KỂ CHUYỆN. Kỷ niệm 10 năm chiến dịch giải cứu lao động Việt Nam tại Libya và những câu chuyện chưa kể

Mới đây, sau đúng 10 năm, tình cờ tôi gặp lại Thiếu tướng Trần Trung Tín. Hai chúng tôi bắt tay, ôm chầm lấy nhau như những người bạn tri kỷ và cùng ôn lại những kỷ niệm hồi đó. Thực ra, tôi và ông Tín ít khi làm việc và gặp gỡ nhau, nhưng khi gặp lại sau 10 năm, chúng tôi nhận ra nhau ngay.

Ông Tín đặc biệt vui mừng và chủ động nhắc lại ý kiến đề xuất của chúng tôi về địa điểm đặt Sở chỉ huy, thấy rõ là ông rất tâm đắc với đề xuất chính xác và kịp thời lúc đó.

Tôi có đùa và nói rằng tôi đã tốt nghiệp khóa đào tạo Quốc phòng cao cấp tại Học viện Quốc phòng năm 2008, nên mới có sự nhạy bén về quân sự như vậy. Ông Tín cho rằng, quyết định chính xác này đã giúp cho việc xử lý công việc trở nên nhanh chóng và hiệu quả nhất. Trên thực tế đúng là như vậy.

Điều hết sức may mắn là, anh em ta ở Đại sứ quán Việt Nam tại Tripoli cũng rất đồng tình với quyết định trên, và cử cán bộ ra tận biên giới khảo sát, tìm nơi thuận lợi cho Đoàn đóng quân và tác chiến.

Khi chúng tôi đến địa điểm tập kết vào đêm ngày 1/3 đã có sự hiện diện của Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Libya Lê Hữu Hùng. Anh Hùng giúp chúng tôi nhanh chóng ổn định nơi ăn ở để sáng sớm hôm sau, 5 giờ sáng ngày 2/3, chúng tôi đã có mặt ở sân bay Djerba của Tunisia, chuẩn bị cho chuyến bay đầu tiên. Nơi chúng tôi đóng quân chỉ cách biên giới Tunisia - Libya vài chục km, cách Tripoli khoảng 200km. Hơn nữa, điều rất may mắn là gần đó có sân bay quốc tế Djerba của Tunisia, máy bay Boeing 777 có thể hạ cánh được.

Còn việc tại sao lại cử đoàn đến cả Ai Cập, Hy Lạp, Malta, Thổ Nhĩ Kỳ để đưa lao động về, thì câu trả lời thật đơn giản: Trong quá trình xảy ra biến cố ở Libya, do tình hình bất ổn và khá nguy hiểm, một số người lao động Việt Nam đã sơ tán bằng các cách thức khác nhau: đi đường biển, đường hàng không, đường bộ sang các nước này và bị kẹt ở đó.

Ta phải đưa đoàn sang làm việc với các chính quyền sở tại để thu xếp cho bà con về. Một số người mất hồ sơ, giấy tờ tùy thân, các cán bộ lãnh sự của ta phải cấp giấy thông hành tạm thời để công dân Việt Nam được phép về nước. Ví dụ, sau khi đưa đoàn chúng tôi sang Cairo (Ai Cập), máy bay này đã chở khoảng 280 lao động Việt Nam có mặt sẵn tại Ai Cập về nước ngày 1/3. Đây cũng là chuyến máy bay Vietnam Airlines đầu tiên đưa anh em lao động ta về nước dịp này. Từ Djerba có thêm 10 chuyến máy bay của hãng Hàng không Việt Nam, mỗi chuyến chở khoảng 318 lao động về nước.

NHÀ NGOẠI GIAO KỂ CHUYỆN. Kỷ niệm 10 năm chiến dịch giải cứu lao động Việt Nam tại Libya và những câu chuyện chưa kể

Trong quá trình triển khai chiến dịch, ngay từ đầu, tôi tính toán thế này: Cần sớm có chuyến bay đầu tiên từ Djerba về nước, càng nhanh càng tốt. Chuyến bay nay sẽ như “pháo hiệu”, thu hút toàn bộ người lao động Việt Nam còn kẹt ở Libya hướng về phía biên giới với Tunisia. Họ sẽ liên hệ với Đại sứ quán ta tại Tripoli. Tôi chỉ đạo Đại sứ ta tại đó bằng mọi cách tạo điều kiện cho anh chị em lao động Việt Nam ra được biên giới, từ đó, Đoàn công tác sẽ vận chuyển đưa đến sân bay Djerba, và sắp xếp đưa máy bay sang chở họ về nước. Thực tế đã diễn ra đúng như tính toán của chúng tôi.

Đại sứ quán Việt Nam tại Libya đóng vai trò rất quan trọng. Trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn, không an toàn, họ đã quan tâm, chăm sóc, lo lắng cho người lao động nơi ăn, chốn ở tạm thời, rồi tìm cách đưa họ ra biên giới Tunisia. Tôi đánh giá rất cao tinh thần trách nhiệm và nỗ lực của Đại sứ Đào Duy Tiến và anh chị em Đại sứ quán lúc đó.

Nhân đây xin chia sẻ thêm.

Khi Đoàn chúng tôi rời sân bay Nội Bài đêm ngày 28/2, anh Phạm Ngọc Minh, lúc đó là Tổng Giám đốc Hàng không Việt Nam, đã nói với tôi: “Toàn bộ nhóm anh em Hàng không Việt Nam bên Djerba được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của anh. Anh cần bao nhiêu chuyến, ngày nào, giờ nào, anh báo cho tôi biết. Tôi sẽ điều máy bay sang phục vụ”.

Ngày 1/3 chúng tôi di chuyển từ Ai Cập sang Tunisia để đến địa điểm tập kết. Trên đường đi, tôi nắm lại quân số lao động ta đang có mặt ở sân bay Djerba và khu vực biên giới. Tôi nghĩ nhanh: cần có chuyến bay đầu tiên, càng nhanh càng tốt, để báo hiệu cho anh em lao động Việt Nam biết đây là hướng chính để sơ tán. Khi họ đã biết hướng này, dù đang ở vùng miền nào ở Libya, lao động người Việt cũng sẽ tìm cách hướng về phía này để có cơ hội được đưa về nước sớm. Trong ngày 2/3, ta đã bố trí hai chuyến bay, một chuyến vào buổi sang và chuyến còn lại vào buổi chiều tối. Mọi việc diễn ra khá suôn sẻ, mau lẹ và khá phù hợp với tính toán của chúng tôi.

(còn tiếp)

NHÀ NGOẠI GIAO KỂ CHUYỆN. Kỷ niệm 10 năm chiến dịch giải cứu lao động Việt Nam tại Libya và những câu chuyện chưa kể

Bài: Hải Yến

Đồ họa: Phạm Anh Tuấn

Ảnh: NVCC

Đọc thêm

Cảnh sát biển Việt Nam và Ấn Độ diễn tập tìm kiếm cứu nạn và xử lý các sự cố

Cảnh sát biển Việt Nam và Ấn Độ diễn tập tìm kiếm cứu nạn và xử lý các sự cố

Cảnh sát biển Việt Nam và Lực lượng Bảo vệ bờ biển Ấn Độ đã tổ chức diễn tập tìm kiếm cứu nạn và xử lý sự cố ở ngoài khơi bờ biển Kochi trong khuôn khổ chuyến thăm, giao lưu và trao đổi kinh nghiệm
Thống đốc tỉnh Niigata, Nhật Bản nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

Thống đốc tỉnh Niigata, Nhật Bản nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

Thống đốc tỉnh Niigata (Nhật Bản) Hanazumi Hideyo được trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có nhiều đóng góp cho việc phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản.
Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao về thực hiện Kết luận 21 của Ban Chấp hành Trung ương

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao về thực hiện Kết luận 21 của Ban Chấp hành Trung ương

Sáng nay 21/12, tại Trụ sở Bộ Ngoại giao, Đoàn kiểm tra số 1477 của Ban Bí thư do đồng chí Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương làm Trưởng đoàn đã làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao về kết quả lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tổ chức thực hiện Kết luận số 21 của Ban Chấp hành Trung ương.
Những trận đánh lịch sử trong ký ức Tướng Quân đội nhân dân Việt Nam (kỳ I): Từ các câu 'thần chú' khớp lệnh đến lời dặn cầm quân khắc cốt ghi tâm

Những trận đánh lịch sử trong ký ức Tướng Quân đội nhân dân Việt Nam (kỳ I): Từ các câu 'thần chú' khớp lệnh đến lời dặn cầm quân khắc cốt ghi tâm

Vị Tướng Quân đội nhân dân Việt Nam - Thượng tướng, Viện sĩ, Nguyễn Huy Hiệu, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhớ như in những trận đánh lịch sử đã từng tham gia suốt 60 năm 'cuộc đời binh nghiệp'.
Dòng chữ trên Quân kỳ của Quân đội Nhân dân Việt Nam

Dòng chữ trên Quân kỳ của Quân đội Nhân dân Việt Nam

80 năm qua, Quân kỳ của Quân đội Nhân dân Việt Nam luôn dẫn đầu, đưa dân tộc Việt Nam trải qua những sấm sét của lịch sử và bão táp của thời đại, vượt qua thác ghềnh, đấu tranh để giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc.
Biểu dương con đoàn viên Bộ Ngoại giao chinh phục các kỳ thi quốc gia và quốc tế

Biểu dương con đoàn viên Bộ Ngoại giao chinh phục các kỳ thi quốc gia và quốc tế

Sáng nay 21/12, Công đoàn Bộ Ngoại giao tổ chức Lễ trao thưởng cho con đoàn viên đạt thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế.