📞

Nhà ngoại giao Mỹ bảo vệ 'cách tốt nhất' để giải quyết vấn đề Cuba

13:15 | 22/12/2024
Nhà ngoại giao kỳ cựu Jeffrey DeLaurentis, cựu đại biện lâm thời tại Đại sứ quán Mỹ tại Havana, Cuba, trong giai đoạn “tan băng” dưới thời Tổng thống Obama, khẳng định rằng đối thoại và thúc đẩy cải cách cởi mở là cách tiếp cận hiệu quả nhất để cải thiện quan hệ Mỹ-Cuba. Dù bị đảo ngược trong thời gian ngắn, di sản của chính sách này vẫn để lại dấu ấn sâu sắc, bất chấp những nỗ lực thắt chặt từ các chính quyền kế nhiệm.

Nhà ngoại giao Mỹ Jeffrey DeLaurentis. (Nguồn: cibercuba)

Trả lời phỏng vấn hãng tin EFE, ông DeLaurentis chỉ rõ: “Mặc dù bị đảo ngược sau hai năm, chính sách này đã thành công và gây được tiếng vang đến tận ngày nay, bất chấp những nỗ lực của chính quyền ông Donald Trump khi đó”. Ông DeLaurentis là một trong số ít “người trong cuộc” và hiểu rõ về quá trình xích lại gần nhau giữa Mỹ và Cuba cũng như ý nghĩa của sự kiện này trên thực địa.

Ngày 17/12/2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama ở Washington và Chủ tịch Cuba Raul Castro ở La Habana cùng lúc phát biểu trên truyền hình, thông báo Mỹ và Cuba nối lại mối bang giao sau nhiều tháng đàm phán bí mật với sự hòa giải của Vatican và Canada.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Cuba nêu bật di sản mà chính sách của Obama để lại trong quan hệ giữa hai nước sau nhiều thập kỷ Chiến tranh Lạnh. Theo ông DeLaurentis, nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump (2017-2021) với việc thắt chặt các lệnh trừng phạt và quyết định đưa Cuba vào danh sách các nước tài trợ khủng bố chưa thể xóa được dấu ấn đó.

Nhà ngoại giao Mỹ cho rằng quá trình tan băng cần thêm thời gian để bền vững, và cách tiếp cận tốt nhất để thúc đẩy lợi ích của Washington là “khuyến khích” những cải cách cởi mở tại Cuba và cải thiện cuộc sống của người dân nước này, trái ngược với chính sách cứng rắn của chính quyền do đảng Cộng hòa lãnh đạo.

Cựu Đại sứ Mỹ cho biết: “Trong chuyến công tác đầu tiên tới Cuba (vào những năm 1990), tôi đến nơi với suy nghĩ rằng cách tiếp cận của Mỹ là đúng đắn. Nhưng thành thật mà nói, khi rời Cuba tôi đã nhận ra rằng cô lập không phải là cách tiếp cận đúng. Các lệnh bao vây cấm vận đã không hiệu quả và thực sự không hiệu quả trong 60 năm qua”.

Ông DeLaurentis, trước đây từng làm việc trong Văn phòng Quyền lợi Mỹ ở La Habana trong những năm 1990 và 2000, nêu bật sự trỗi dậy của khu vực tư nhân ở đảo quốc này kể từ thời điểm đó, sau nhiều thập kỷ bị cấm vận. Nhà ngoại giao Mỹ nhận định tâm lý của người Cuba khi đó đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, những người trẻ tuổi rất hào hứng với tương lai, nhiều người nỗ lực phát triển quê hương, khác với xu hướng cắt đứt mọi mối quan hệ và quyết tâm di cư. Sau 4 năm khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, thiếu hàng hóa và dịch vụ cơ bản, lạm phát tràn lan và mất điện hàng ngày, Cuba một lần nữa lại phải trải qua một làn sóng di cư lớn. Theo số liệu chính thức, trong ba năm qua, hơn 600.000 người Cuba đã tới Mỹ.

Liên quan việc cựu Tổng thống Trump sẽ chính thức trở lại Nhà Trắng vào ngày 20/1 tới và đã chọn Thượng nghị sĩ gốc Cuba Marco Rubio làm Ngoại trưởng của chính quyền mới, ông DeLaurentis nhấn mạnh rằng vấn đề Cuba đang gây tranh cãi giữa những người ủng hộ đối thoại và những người muốn tiếp tục áp dụng “bàn tay sắt”.

Cựu Đại sứ Mỹ nhìn nhận rằng cách tiếp cận của ông Obama rất được ưa chuộng và chắc chắn có rất nhiều người cho rằng đó là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề Cuba. Nhưng cũng có nhiều người bảo vệ đường lối cứng rắn hơn. Trong khi đó, đối với những ý kiến ủng hộ hai bên xích lại gần nhau, vấn đề Cuba quan trọng nhưng còn nhiều ưu tiên khác.

(theo EFE, cibercuba)