📞

Nhà ngoại giao và triết lý golf

09:47 | 20/02/2008
Đối với bà Marie-Louise Thaning, Tham tán Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam, điều quan trọng nhất của người chơi golf là vượt lên chính mình và biết kiềm chế bản thân, ở điểm này thì cũng giống như nhà ngoại giao…

Những người phục vụ ở sân golf Chí Linh (Hải Dương) đã quen với hình ảnh một người phụ nữ tóc vàng, cao với nụ cười rất tươi này. Vào mỗi dịp cuối tuần, bà Marie-Louise thường cùng với bạn bè hay đối tác đến đây để “hòa mình vào thiên nhiên”, để “có được những giây phút thư giãn thực sự thú vị”. Ngoài sân Chí Linh, nhà ngoại giao đến từ đất nước Bắc Âu cũng thích chơi ở sân golf Vân Trì ở Đông Anh, sân golf Tam Đảo và từng mang cả bộ dụng cụ golf “vác” từ Thụy Điển vào TP. Hồ Chí Minh…

Nói chơi golf chỉ thuần túy là giải trí là không đúng. Ở cương vị Tham tán phụ trách chính trị và thương mại của sứ quán Thụy Điển, bà Marie-Louise gặp rất nhiều người – quan chức, đồng nghiệp, doanh nhân… “Khi chơi golf, tôi có thể trao đổi với họ một cách thoải mái, dễ dàng và cũng sáng tạo hơn. Thay vì một chiếc bàn làm việc cứng nhắc, sân golf giúp các bên nhanh chóng tìm được tiếng nói chung hơn”. Tay golf nghiệp dư với thâm niên hơn 30 năm này cũng đã “so gậy” với Đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển Trịnh Quang Thanh khi bà về nước vào mùa Hè năm ngoái. Trong ngoại giao đoàn ở Hà Nội, trình độ golf của bà ở mức nào? “Mức trung bình thôi”, bà cười.

Bà Marie-Louise bắt đầu chơi golf từ năm 25 tuổi. “Không hề sớm. Con trai tôi cầm gậy golf từ năm lên 5 tuổi”. Lý do bà đưa ra là golf là một trong những môn thể thao được ưa chuộng ở Thụy Điển, nơi có nhiều đất rộng mà người ít. Theo bà, golf không phải là điều gì đó xa xỉ, chi phí cho golf ở Việt Nam rẻ hơn nhiều so với Hàn Quốc. Bà cũng mong, ngày càng có nhiều người Việt Nam tìm đến với môn thể thao này.

“Bước vào sân golf là bắt đầu cuộc tự đấu tranh với bản thân mình. Điều quan trọng nhất của người chơi golf là phải vượt lên chính mình. Khi chơi, bạn phải bình tĩnh, biết kiềm chế bản thân, không được để cho mình bực bội”, bà Marie nói. Nhà ngoại giao nhiều khi cũng vậy, quen với việc kiềm chế bản thân mình, nếu có bực bội với ai thì không thể hiện ra bên ngoài. Ở cương vị Tham tán, bà cũng vậy chứ? “Có thể, nếu để hoàn thành công việc tốt nhất”.

Đối với bà Marie-Louise, cuộc sống ở Hà Nội dễ chịu và thoải mái không kém ở Stockholm. Sự quan tâm đến đất nước “có sự phát triển kinh tế đầy ấn tượng” và con người “rất thân thiện và hài hước” này bắt nguồn từ khi bà còn làm việc ở Vụ Đông Nam Á của Bộ Ngoại giao Thụy Điển. Chính bà là một trong những người xây dựng và ký những Hiệp định đưa đến sự ra đời của Nhà máy Giấy Bãi Bằng (Phú Thọ), Bệnh viên Nhi Thụy Điển (Hà Nội), Bệnh viện Uông Bí (Quảng Ninh) – những minh chứng sinh động cho tình hữu nghị, hợp tác giữa Thụy Điển và Việt Nam. Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Quốc vương Thụy Điển hồi đầu năm 2004 cũng có phần đóng góp của bà…

Nếu có ai đó tò mò rằng dường như nụ cười luôn thường trực trên gương mặt nhà ngoại giao Thụy Điển này, hãy nghe bà nói về phương châm sống của mình: “Điều quan trọng là cần phải cởi mở, luôn hướng tới tương lai và cả… tò mò nữa”. Hay nói cách khác, “ngày mai là ngày mới”.

Sau hai lần đón Tết ở Hà Nội, năm nay, bà Marie-Louise quyết định «làm mới» bằng một chuyến nghỉ ngơi ở Hồng Kông. Điều đặc biệt, bạn đồng hành với bà là cô con gái cưng - sẽ sang Việt Nam vào ngày 6/2 (tức 31/12 ÂL). Và với chuyến bay sang Hồng Kông vào sáng ngày 7/2, có thể hai mẹ con bà Marie-Louise là những vị khách nước ngoài đầu tiên của Vietnam Airlines…

Hoàng Hạnh