Ảnh minh họa. |
Nhiều lợi thế
Các nhà ngoại giao Việt Nam sinh ra trong những năm 1970, 80, 90 có rất nhiều lợi thế so với thế hệ đi trước. Họ không phải làm việc trong bối cảnh đất nước chiến tranh, chia cắt; lại có điều kiện học đại học, thạc sĩ, tiến sĩ ở các trung tâm giáo dục tiên tiến hàng đầu thế giới. Họ không cần phải học ngoại ngữ nhờ vào các băng cassette cũ kỹ hay phải thức đêm để bắt sóng đài BBC, RFI, mà được giao tiếp thường xuyên với giáo viên nước ngoài, gặp gỡ hàng ngày với các đối tác quốc tế, được tham gia vào nhiều diễn đàn khu vực và toàn cầu. Họ có sự hỗ trợ đắc lực của Internet, công nghệ thông tin. Đặc biệt, quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam, các nhà ngoại giao thời nay có cơ hội để cọ xát, đương đầu với những thách thức mới và thực sự vươn ra biển lớn.
Cách đây 20 năm, thật khó hình dung nổi phạm vi và mức độ các mối quan hệ mà Việt Nam đã tạo dựng được như ngày nay, nhất là việc xây dựng khuôn khổ quan hệ với cả năm nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an, thành viên Hội đồng Nhân quyền, ngày càng khẳng định vai trò trong ASEAN, khu vực và toàn cầu. Với các nhà ngoại giao, đây chính là cơ hội vàng để họ rèn luyện, nâng cao kiến thức và sánh vai cùng các nhà ngoại giao nước ngoài.
Khoảng cách về năng lực chuyên môn giữa những nhà ngoại giao Việt Nam với những nhà ngoại giao đến từ các nước tiên tiến đang ngày càng thu hẹp, thậm chí không ít trường hợp các nhà ngoại giao Việt Nam còn tỏ ra xuất sắc hơn. Càng về sau này, các nhà ngoại giao trẻ lại càng giỏi ngoại ngữ, càng am hiểu các kiến thức chuyên ngành quan hệ quốc tế, luật pháp quốc tế, kinh tế quốc tế, cũng như nắm vững hơn những luật chơi quốc tế, những thủ thuật thương lượng, vận động hành lang, gây dựng quan hệ… Họ cũng ngày càng chủ động hơn trong các cuộc giao tiếp, thương lượng; ngày càng năng động tại các diễn đàn quốc tế, đồng thời xây dựng được các mối liên kết rộng rãi với các đồng nghiệp ở khắp năm châu.
Chưa tận dụng hết cơ hội
Cho dù có rất nhiều ưu điểm, cán bộ ngoại giao Việt Nam vẫn còn phải học hỏi rất nhiều để có thể thực sự tận dụng cơ hội của “thế giới phẳng”. Trong nhóm các nhà ngoại giao 8x, 9x, số lượng các bạn sử dụng thành thạo hai hoặc trên hai ngoại ngữ không đáng kể. Kiến thức chung về lịch sử, xã hội, văn học nghệ thuật quốc tế còn yếu.
Cán bộ ngoại giao các nước, kể cả một số nước ở khu vực châu Á, rất am hiểu về lịch sử thế giới, âm nhạc cổ điển, hội họa, văn học quốc tế. Quan hệ, kết nối của họ với bạn bè quốc tế rất tốt. Một phần vì họ chịu khó giao tiếp, gây dựng quan hệ, một phần cũng vì họ có điều kiện vật chất hơn ta để xây dựng hoặc tham gia các hoạt động không chính thức.
Bên cạnh đó, mặc dù có sự hỗ trợ của Internet trong thu thập thông tin, các nhà ngoại giao trẻ vẫn chưa tối đa hóa được lợi ích của Internet trong việc đưa thông tin của Việt Nam đến với thế giới và đưa thông tin của thế giới đến với Việt Nam. Họ cũng chưa tận dụng tốt Internet, báo chí, các mạng xã hội trong công tác ngoại giao công chúng, nhất là với chính công chúng Việt Nam. Dù đây là những công việc chung của cả ngành Ngoại giao, song các nhà ngoại giao trẻ, những người thích ứng tốt hơn với sự phát triển của công nghệ thông tin, rõ ràng phải là những người chịu trách nhiệm trong việc đưa ra ý tưởng mới trong lĩnh vực này. Không chỉ trong thông tin mà trong hầu hết các lĩnh vực khác, chúng ta vẫn rất thiếu các ý tưởng sáng tạo trong khi đây lại là yếu tố vô cùng quan trọng trong “thế giới phẳng”.
Ngoại giao là nghệ thuật
Ngoại giao là nghệ thuật để người khác theo con đường của mình, một học giả người Italy đã nói như vậy cách đây vài thập kỷ. Dù thế giới có thay đổi, nhà ngoại giao vẫn phải là người biết thuyết phục, vận động và biết đấu tranh để cộng đồng quốc tế hiểu, ủng hộ và hỗ trợ con đường đi lên của đất nước mình. Đồng thời, nhà ngoại giao cũng phải biết cách để người dân trong nước hiểu hơn về thế giới, qua đó ủng hộ và phối hợp với ngoại giao trong hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại. Nói ngoại giao là nghệ thuật cũng có nghĩa mỗi nhà ngoại giao sẽ phải biết linh hoạt, mềm dẻo trong hoạt động, thật sự “dĩ bất biến, ứng vạn biến” vì lợi ích quốc gia, dân tộc.
Cùng với con đường đi lên của đất nước, trọng trách của ngành ngoại giao và các nhà ngoại giao sẽ ngày càng nhiều và thách thức cũng sẽ ngày càng lớn. Điều quan trọng hàng đầu với các cán bộ trẻ chính là phải luôn giữ được nhiệt huyết và đam mê với nghề với nghiệp. Những ai từng đọc cuốn sách Chuyện nghề, chuyện nghiệp do các nhà ngoại giao lão thành xuất bản cách đây vài năm hẳn cũng sẽ băn khoăn liệu thế hệ sau này có được tình yêu, sự tận tụy, hy sinh vì nghề vì nghiệp như các thế hệ trước hay không? Thế hệ ngoại giao thời @ có nhiều ưu thế song chưa chắc đã có độ say sưa, cái tâm trong sáng với nghề như thế. Cũng có những suy nghĩ chỉ muốn “chọn việc nhẹ nhàng” và cũng có không ít người đã bỏ nghề để đi theo những sự lựa chọn khác hấp dẫn hơn.
Tấm lòng với nghề sẽ đòi hỏi cán bộ ngoại giao phải luôn nỗ lực để tự vươn lên và hoàn thiện mình. Quan trọng nhất, các nhà ngoại giao thế hệ mới phải luôn có sáng kiến và ý tưởng mới cho dù nghề ngoại giao không thể đòi hỏi những phát minh, sáng chế như các ngành khoa học, kỹ thuật. Ý tưởng có thể xuất phát từ mọi lĩnh vực trong các hoạt động đối ngoại, trong quan hệ song phương với các đối tác, tại các diễn đàn đa phương, cũng như trong hoạt động với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa…
Mỗi nhà ngoại giao đều phải luôn tâm niệm với trách nhiệm không ngừng cải thiện hình ảnh của ngành Ngoại giao trong con mắt của người dân và bạn bè quốc tế. Họ cũng sẽ phải nhớ rằng “thế giới phẳng” có hai mặt. Có khi chỉ vì một vài sai sót cá biệt có thể làm ảnh hưởng đến nỗ lực của bao con người cũng như hình ảnh và uy tín của cả Ngành.
Việt Nam nằm trong khu vực phát triển năng động nhất thế giới, nơi có những liên kết kinh tế dày đặc, cũng là nơi đang thu hút được sự quan tâm đặc biệt và chứng kiến sự cạnh tranh mạnh mẽ của các siêu cường. Trong bối cảnh đó, Ngoại giao Việt Nam có điều kiện để phát huy vai trò của mình trong việc thực hiện các mục tiêu chung của đất nước. Các nhà ngoại giao Việt Nam cũng có điều kiện để đưa ngành Ngoại giao Việt Nam sánh vai với ngoại giao quốc tế. Nhưng điều đó có trở thành hiện thực hay không còn tùy thuộc vào sự nỗ lực của chính mỗi nhà ngoại giao.
Thế giới sẽ chỉ “phẳng” nếu người ta nhận thức được những cơ hội do nó mang lại và biết biến những cơ hội đó thành những thế mạnh thực sự trong quá trình đi lên của ngành Ngoại giao và của cả đất nước.
Hoàng Thị Thanh Nga