Nhờ nhãn quan và kinh nghiệm của một nhà ngoại giao, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế và một nhà bình luận quốc tế, tác giả đã đưa ra một số đánh giá, phân tích và dự báo được thời gian kiểm nghiệm tính đúng đắn. Theo lời tác giả, "chủ nghĩa tư bản thế giới trong cơn co giật" và trải qua "cuộc đại phẫu thuật"; từ cuộc khủng hoảng này sẽ "xuất hiện khoảng trống quyền lực"; "Cuộc khủng hoảng kết thúc thời kỳ hoàng kim chủ nghĩa tư bản Mỹ, cũng như vai trò Mỹ một siêu cường tài chính". Vào lúc ứng cử viên Barack Obama ăn mừng đắc cử Tổng thống, tác giả nhận xét rằng "nếu ông Obama không giải quyết được các vấn đề kinh tế của nước Mỹ sau đây 2 năm, vào năm 2010, đảng Dân chủ có thể mất nhiều ghế trong cuộc bầu cử Quốc hội"...
Tác giả nêu ra một luận điểm cơ bản: "Cuộc đại khủng hoảng hiện nay mở đường cho những thay đổi căn bản nhiều mặt của đời sống thế giới". Về quan hệ Mỹ-Trung, tác giả cho rằng hai nước "không phải là bạn, chưa phải là thù, đang cạnh tranh vị trí lãnh đạo khu vực"; Mỹ đang thực hiện với Trung Quốc một chính sách "gói gọn trong mấy chữ: can dự tích cực và kiềm chế phòng ngừa" và "nếu có một nơi nào đó trên hành tinh này có thể tiến tới hình thành thế "lưỡng cực", thì nơi đó sẽ là châu Á-Thái Bình Dương với đà phát triển của Trung Quốc như hiện nay".
Đề cập đến nhiều vấn đề quốc tế khác nhau, về Iran: "Trong bối cảnh hiện nay thật khó mà hình dung việc Iran nhượng bộ phương Tây trong vấn đề hạt nhân". Về căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên: "Đông Bắc Á hiện là khu vực đầy nguy hiểm, chất đầy vũ khí tấn công chiến lược... Với tương quan lực lượng quân sự hiện nay tại bán đảo, ai đánh đòn phủ đầu, bên đó sẽ lãnh đòn giáng trả hủy diệt. Lời qua tiếng lại hiện nay mang tính cân não hơn là thực chất, sẽ sớm nhường bước cho những tính toán lý tính và bước đi phù hợp với lợi ích nhân dân hai miền Triều Tiên, hòa bình ổn định Đông Bắc Á...".
Về quan hệ Việt-Trung, trước những bất cập của quan hệ kinh tế song phương, tác giả cho rằng, "Cơ cấu sản xuất của nước ta không nên kéo lê theo vệt xe của Trung Quốc. Việt Nam cần có tầm nhìn và chiến lược đúng đắn phù hợp vị trí địa-chiến lược/kinh tế, để tồn tại và phát triền cùng Trung Quốc và bên cạnh Trung Quốc hiện đại và cường thịnh".
Tác giả chia sẻ quan điểm phương pháp luận, cho rằng "Người viết báo, nếu phản ánh được sự thật khách quan cũng chính là người ghi chép lịch sử"; "cần thiết vượt lên trên các sự kiện, làm chủ quá trình phân tích sự kiện, tìm ra các mối liên kết, phát hiện bản chất và hiện tượng của sự kiện, từ đó đưa ra nhận xét, bình luận và dự báo của mình".
Từ khi nghỉ hưu, TS Nguyễn Ngọc Trường thường tham gia bình luận quốc tế trên một số kênh truyền hình Việt Nam, viết báo. Nhờ vậy, như tác giả nhận xét, "Các vấn đề và sự kiện được lật đi lật lại, giúp không ngừng đổi mới nhận thức. Viết mỗi bài phân tích hoặc bình luận ra tấm ra món cũng là một cuộc vượt dốc khó khăn nhưng bù vào đó người viết đạt thêm độ chín trong quá trình nhận thức và phản ánh hiện thực khách quan".
Được biết, TS Nguyễn Ngọc Trường đang chuẩn bị cho ra mắt một cuốn sách mới đề cập đến những vấn đề thời sự quốc tế nóng hổi hiện nay.
Thiên Phước