📞

Nhà thơ Giang Nam: Hãy trân trọng giá trị của cuộc sống

15:59 | 22/05/2015
Gặp nhà thơ Giang Nam, tôi giật mình ngỡ ngàng, bởi đã ở tuổi 87 ông trông vẫn phong độ, khỏe mạnh. Ông kể tôi nghe chuyện thơ, chuyện đời như những thước phim diệu kỳ.

Biết tôi là người yêu thơ Hồ DZếnh và thơ ông, ông thổ lộ, ông lấy bút danh là Giang Nam cũng bởi khi còn trẻ mê thơ của Hồ DZếnh và Huy Cận. Trong một bài thơ của Hồ DZếnh có câu:

Tô Châu lớp lớp phủ kiều

Trăng đêm Dương Tử mây chiều Giang Nam

Ông giải thích: "Giang Nam ở đây là vùng đất rộng lớn phía Nam của Trung Quốc, nhưng không hiểu sao hai từ Giang Nam nó gợi cho tôi một sự lãng mạn, huyền bí và có cái gì đó như xứ Nam của đất nước mình...".

Năm mươi lăm năm "tuổi thơ"

Bài thơ nổi tiếng Quê hương của nhà thơ Giang Nam đã có "tuổi thơ" 55 năm nhưng ít người biết về hoàn cảnh ra đời của bài thơ.

Đó là buổi chiều năm 1960, giữa những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất, dưới chân núi Hòn Dù tĩnh lặng ở phía Tây Nha Trang, Phó Bí thư Tỉnh ủy cho gọi ông lên và ân cần hỏi thăm (khi đó ông đang là Phó Ban Tuyên huấn của Tỉnh ủy tỉnh Khánh Hòa). Rồi Phó Bí thư Tỉnh ủy cho biết: Cơ sở báo cáo về, vợ cùng con gái ông đã bị địch bắt trước đó hơn một năm và bị chúng thủ tiêu…

Trời đất như sập xuống đầu ông, đêm tĩnh lặng giữa rừng núi bạt ngàn, thỉnh thoảng chỉ nghe tiếng nai "tác, tác" gọi bạn. Trong nỗi đau đớn tột cùng, ông ngồi trong căn chòi nhỏ, trước mắt là ngọn đèn dầu lù mù được che kín ba mặt, ông đã viết một mạch, không sửa chút nào. Lúc ấy không phải làm thơ, mà ông ghi lại những ký ức, những hình ảnh đã trở thành máu thịt trong ông. Từng đoạn nước mắt ông trào ra, nhất là ở hai câu cuối:

Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất

Có một phần xương thịt của em tôi.

Tuy nhiên, có một sự thật mà sau này ông mới biết là người "em tôi" ấy (vợ ông) không chết, do giặc mang đi giam giữ hết nơi này đến nơi khác, cơ sở không tìm ra.

Sau đó, ông gửi bài thơ ra Hà Nội. Thật bất ngờ, Quê hương được giải Nhì giải thưởng thơ 1960 của báo Văn nghệ.

Giang Nam kể: "Anh Hoài Thanh - nhà phê bình văn học nổi tiếng, cũng là thành viên trong Ban giám khảo cuộc thi cho biết: Bài thơ Quê hương từ miền Nam gửi ra đã gây bất ngờ cho hội đồng giám khảo. Có hai luồng ý kiến: trao giải Nhất vì đây là một bài thơ hay, xúc động; hai là bài thơ hay thì có hay, nhưng có thể ảnh hưởng không tốt đến tinh thần chiến đấu của đồng bào miền Nam, vì vậy chỉ nên trao giải thấp. Tôi là người đứng về phía ý kiến thứ nhất. Ý kiến Ban giám khảo cho đến phút cuối vẫn không đồng nhất, nên đã chọn giải pháp thỏa hiệp là trao giải Nhì. Tôi nhất trí với Ban giám khảo nhưng cũng đã phát biểu tại cuộc họp rằng bài Quê hương không được trao giải cao nhưng tôi tin rằng nó sẽ sống mãi với thời gian".

Đừng lấy thơ làm trang sức

Giang Nam còn bộc bạch quan điểm về thơ ca gần đây. Ông cho rằng: "Chúng ta hãy sống hết mình vì đất nước và hãy loại bỏ những gì có thể hủy hoại hình ảnh đất nước... Nhà thơ rất cần chân thực, bởi chỉ có chân thực với chính mình thì thơ mới có giá trị. Thơ là cái tôi riêng, cái bản ngã của mỗi cá nhân và hãy nói tiếng nói của lòng mình, chứ đừng dùng thơ làm sự tiến thân, làm trang sức cho mình... Tôi tin rằng, lớp trẻ sẽ tìm ra những con đường, những ngả đường và khám phá mới cho thơ".

Là nhà thơ, trưởng thành trong sự khốc liệt của chiến tranh, hơn ai hết ông yêu cuộc sống và trân trọng giữ gìn những giá trị của cuộc sống. Theo ông, tất cả những gì thuộc về đất nước là vô cùng thiêng liêng và cái quý giá nhất chính là cuộc sống.

"Cuộc sống cho ta tất cả rồi cũng chính cuộc sống sẽ lấy đi tất cả, nếu ta không biết trân trọng và gìn giữ.", ông nói.

Nhà thơ Giang Nam, tên thật là Nguyễn Sung, sinh năm 1929, tại xã Ninh Bình, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Ông từng làm Phó Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa, Tổng Biên tập báo Văn Nghệ, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa, hiện là Phó Chủ tịch thường trực Hội UNESCO tỉnh Khánh Hòa.

Hòa Minh (ghi)