📞
Sổ tay văn hóa Đông - Tây

Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Một thoáng văn học Italy (Kỳ 10)

Hữu Ngọc 09:00 | 02/05/2021
Văn học Italy chiếm một vị trí quan trọng trong văn hóa của châu Âu. Thời kỳ này có một số tên tuổi nổi tiếng thế giới như: Malaparte Curzio, Manzoni Alessandro, Metastasio Pietro.

Malaparte Curzio (1898-1957) làm thơ, viết báo, kịch, tiểu thuyết phóng sự. Tác phẩm tiêu biểu: Tan nát (1944) và Da (1949).

Tan nát là tiểu thuyết phóng sự về sự suy sụp của châu Âu do tác động tàn bạo vô nghĩa của chiến tranh. Cùng Da, tác phẩm này có tiếng vang quốc tế. Malaparte là nhà văn, nhà báo, nhà điện ảnh Italy bị gạt ra khỏi Đảng phát xít của Mussolini vì không theo tư tưởng chính thống. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, ông làm phóng viên chiến tranh ở mặt trận miền Đông, sau theo quân đội đồng minh Mỹ đổ bộ vào Italy.

Trong tiếng Đức, Kaputt là hủy diệt, tan nát, hỏng bét. Thực ra, thông qua biểu tượng Kaputt - nhân vật chính, một quái vật vui vẻ và tàn ác, tác giả ngụ ý nói về cảnh châu Âu, tất cả mọi người, chỉ còn là một đống hoang tàn đổ nát.

Trang sách nào cũng bị ám ảnh và chiến tranh là chết chóc. Có rất nhiều đoạn kịch tính, hoặc có chất thơ thô bạo, hoặc đượm màu sắc hài hước giá lạnh (cảnh chém giết khủng khiếp, cảnh sứ quán, chân dung một Hoàng thân, một xác chết rữa thối...)

Da là tập truyện có 12 truyện, cùng Tan nát - những tác phẩm văn học Italy về Chiến tranh thế giới thứ hai có giá trị quốc tế. Cả hai tác phẩm đều mang những nét chung về phong cách hiện thực trắng trợn (tục tằn, cảm thương kín đáo, hài hước rùng rợn).

Malaparte tham gia Sư đoàn du kích Italy “Potente” giải phóng Italy (1943-1945). Ông phản ánh lại nỗi cơ cực nhục nhã của nước Italy sau chiến tranh. Truyện Dịch hạch đề cập chủ đề ruỗng thối, xuyên qua tất cả các truyện với đủ mùi hôi thối.

Sự ruỗng thối trước tiên ăn vào phụ nữ (đi làm đĩ công khai có khi chỉ vì một thanh sôcôla của lính Mỹ), rồi sang tất cả mọi người (do đói khổ). Cuối truyện này là cảnh những đền đài cổ La Mã sát một cánh đồng thanh bình, gợi lên cảm giác thế giới cổ đại vẫn nguyên vẹn bên cạnh thế giới hiện đại xáo động.

Tác giả miêu tả quang cảnh thành phố Napoli đổ nát như một thế giới khổ đau mà Chúa đã bỏ lại (một cuộc ẩu đả bên thây xác chết). Trong Gió đen, con chó Fébo thể hiện lương tâm của người viết, đau khổ chán chường sự độc ác của văn minh. Dân tộc Italy cùng khổ, nhục nhã. “Người ta không chiến đấu vì danh dự tự do công lý nữa mà vì mang ra cái xác thịt bẩn thỉu này”.

***

Manzoni Alessandro (1785-1873) là nhà thơ, nhà viết kịch, tiểu thuyết thời kỳ lãng mạn. Ông duy lý, yêu nước và theo đạo Thiên Chúa. Những kẻ đính hôn (1827) là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông.

Những kẻ đính hôn là tiểu thuyết lịch sử, đôi khi được đánh giá là cuốn tiểu thuyết lớn nhất của văn học Italy hiện đại. Manzoni muốn chứng minh là đấng Thiên Hựu can thiệp vào lịch sử và đặc biệt là cuộc sống hàng ngày của người bình thường.

Chuyện kể về nỗi gian truân mà đôi nam nữ nông dân Italy thế kỷ XVII phải trải qua (chống lại ý thích của lãnh chúa địa phương) trước khi được lấy nhau. Renzo và Lucia yêu nhau và đã đính hôn với nhau nhưng tên lãnh chúa Don Rodrigo đánh cuộc là thế nào hắn cũng chiếm được nàng. Hắn làm điều thô bạo, dùng đủ mưu mô để phá cuộc tình duyên.

May mà vị linh mục cứng rắn Fra Cristoforo và Hồng y giáo chủ Borromeo giúp đỡ, cuối cùng, đôi trai gái cũng lấy được nhau. Giá trị tác phẩm chủ yếu là bức tranh miêu tả đời sống Italy vào thế kỷ XVII, tình trạng kinh tế - xã hội và lời kêu gọi yêu nước (chống lại chính quyền Áo).

Tác phẩm của đóng góp vào sự phát triển của phong trào Risorgimento (Phục Hưng văn hóa - chính trị Italy) dẫn đến độc lập và thống nhất.

***

Marino hay Marini Giambattista (1596 - 1625) là nhà thơ cuối thời Phục Hưng. Thơ ông cầu kỳ, hoa mỹ. Tác phẩm chính Adone, 1623.

Adone là thiên hùng ca thần thoại dài 45.000 câu (20 khúc ca), điển hình cho khuynh hướng thơ Italy thế kỷ XVII. Thời Marino là thời văn nghệ Phục Hưng Italy đã suy tàn, ngoài Tasso ra, các nhà văn đi vào khuôn sáo.

Thơ của ông cầu kỳ, rườm rà, chú trọng vào kỹ xảo, hoa mĩ. Ông đồng thời cũng đề ra chủ nghĩa Marino, đặc biệt ở Pháp, có ảnh hưởng đến văn học Ba-rốc ở châu Âu.

Adone kể chuyện tình của nữ thần Venus. Thần tình ái Cupidon là con của Venus, hóa phép cho mẹ mình và một thanh niên là Myrrha yêu nhau.

***

Metastasio Pietro (1698 - 1782) là một nhà thơ cung đình và viết nhạc kịch có uy tín. Tác phẩm nổi tiếng Didone bị bỏ rơi (1721).

Didone bị bỏ rơi là bi kịch có nhạc, đã khiến Metastasio nổi tiếng. Nhân vật Didone biểu tượng (trong văn học cổ điển châu Âu) cho người phụ nữ hy sinh vì tình yêu.

Theo truyện hư cấu của Vergilius trong Aeneis (cổ La Mã), Hoàng hậu Didone là người lập ra thành Carthage ở Bắc Phi. Sau khi thành Troia bị liên quân Hy Lạp tàn phá, Hoàng tử Aeneis bỏ nước ra đi và được Didone cưu mang.

Didone yêu say đắm Aeneis, muốn giữ chàng lại. Nhưng Aeneis nghe theo sứ mạng của dân tộc, bỏ đi Italy để xây dựng thành La Mã và một nền văn minh mới. Didone tự đâm ngực chết trên đống lửa.

Trong vở của Metastasio, Didone bị nhiều nỗi đau thương dồn dập: Didone biết là người tình quyết tâm ra đi mà lại giấu mình, kẻ thù ngoại xâm đe dọa nước nhà, quanh Didone toàn là những người độc ác, không thể tin được.