📞
Sổ tay văn hóa Đông - Tây

Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Một thoáng văn học Italy (Kỳ 11)

HỮU NGỌC 09:00 | 16/05/2021
Văn học Italy chiếm vị trí quan trọng trong văn hóa của châu Âu. Thời kỳ này có một số tên tuổi nổi tiếng như: Moravia Alberto, Moretti Marino, Panzini Alfredo, Papini Giovanni.

Moravia Alberto (1907) là nhà văn dẫn đầu trường phái tiểu thuyết “hiện thực mới”, xuất hiện sau Thế chiến II (hiện thực phê phán, có khi siêu thực, với chủ đề: tha hóa, suy đồi của tiểu tư sản). Tác phẩm chính Agostino (1945), Người đàn bà thành Rome (1947).

Agostino là tiểu thuyết ngắn, phân tích tuổi thiếu niên chưa định hình, bắt đầu có ý thức tình dục. Agostino, 13 tuổi, mồ côi cha, sống với mẹ tại một biệt thự trên bờ biển. Cậu rất mê sắc đẹp của mẹ. Cậu bỗng phát hiện mẹ có nhân tình: cậu tự cho mình bị phản bội, rời bỏ không khí gia đình tư sản, hòa nhập với một lũ thanh niên lưu manh trắng trợn và tàn nhẫn.

Cậu hiểu quan hệ tình dục giữa mẹ với tình nhân, lại càng day dứt giữa sự tôn trọng mẹ với những ham muốn bất chính. Cậu bèn đến nhà chứa để giải quyết vấn đề sinh lý, nhưng còn ít tuổi nên không được vào. Cậu hoang mang vì tuy đã tách ra khỏi đám thanh niên lưu manh, nhưng cảm thấy chống chếnh và bất lực vì chưa được chấp nhận vào thế giới người lớn.

Người đàn bà thành Rome là tác phẩm xuất sắc của Moravia. Tác phẩm được viết sau khi chế độ phát xít sụp đổ (phân tích hiện thực với sự tinh tế lạnh lùng của nhận xét lâm sàng, đồng thời có sự thông cảm ấm tình người). Nhân vật chính là một thiếu phụ tên là Adrienne, rất đẹp. Bà mẹ góa sống chật vật, muốn sử dụng sắc đẹp của con gái để thoát khỏi cảnh nghèo. Bà cho con gái đi làm người mẫu năm 16 tuổi, nhưng cô gái lại ước mơ một đời sống phụ nữ bình thường, làm vợ, làm mẹ.

Mặc dù mẹ cô cản trở, Adrienne đã đính hôn và ngủ với một người lái xe là Gino. Bạn cô là Gizèle muốn làm cô hư hỏng, lừa cô ngủ với một tên trùm cảnh sát là Astarite. Tên này mê và cho cô biết là Gino đã có vợ. Hắn muốn bao Adrienne nhưng cô từ chối. Adrienne làm gái giang hồ nhưng vẫn quyết theo đuổi giấc mơ lương thiện cũ.

Cô yêu một sinh viên là Jacques nhưng hắn lại là người ích kỷ (tuy có tham gia chống phát xít bí mật). Jacques bị bắt, khai báo tên các đồng chí. Nhờ có Astarite mà được tha, nhưng sau đó tự sát vì xấu hổ. Adrienne thấy mình có thai, không phải với Jacques mà là với một gã cục cằn (kẻ đã giết một tên chứa đồ ăn cắp). Đứa bé sinh ra là con của một tên sát nhân và một con đĩ, Adrienne nghĩ vậy, không chút cay chua: cô chỉ mong nó khỏe mạnh và có một số phận khá hơn bố mẹ nó.

***

Moretti Marino (1885) là nhà thơ và viết tiểu thuyết. Ông đại diện cho khuynh hướng “Xẩm tối” (Crepuscolari). Tác phẩm chính: Phòng vợ chồng (1958).

Phòng vợ chồng là tiểu thuyết theo khuynh hướng “Xẩm tối”, ngược với khuynh hướng “Ồn ào” của D'Annunzio. Với tác giả, thơ và văn xuôi biểu hiện cái vui buồn nho nhỏ hằng ngày, nỗi đau thầm lặng, những số phận tủi nhục hẩm hiu (nhất là phụ nữ tỉnh lẻ).

Trong Phòng vợ chồng, một thiếu phụ tư sản là Bianca, sau khi mổ, vĩnh viễn phải kiêng ăn nằm với chồng vì nếu có thai thì nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, chị phải ngủ phòng riêng. Chị thỏa thuận để chồng ngủ với đàn bà khác, nhưng cấm ngủ trong “phòng vợ chồng” (chị nhường cho chồng phòng này). Có lần chị mời một người bạn học thuở trước đến chơi nhà. Một đêm chị thấy bạn đi đến “phòng vợ chồng”. Cơn ghen nổi lên, chị giết bạn. Tòa xử trắng án.

***

Panzini Alfredo (1863-1939) là giáo sư, nhà viết tiểu thuyết. Tác phẩm chính: Ngọn đèn của triết gia Diogene (1907).

Ngọn đèn của triết gia Diogene là tác phẩm nổi trội nhất, ký sự hay nhất của Panzini, kể về một chuyến đạp xe về nghỉ hè ở một căn nhà thuê (cho cả gia đình) ở bờ biển. Những sự việc bình thường được miêu tả bằng một ngòi bút hiện thực châm biếm, có nhiều rung cảm nhờ óc tưởng tượng thơ mộng.

Chuyến đi có thể coi là cuộc hành trình tinh thần và tình cảm qua thế giới cổ và kim. Tác giả khám phá ra ý nghĩa của các quang cảnh: biển, trời, suối, rừng, các sinh vật, đền đài cổ với biết bao kỷ niệm, nhà thờ, nghĩa địa. Ông làm quen với những người dân bình thường: bà cụ nói lảm nhảm với những con lợn, người chơi đàn ống dưới chân cầu, những cô gái bẽn lẽn ở bãi biển và cả những nhân vật thần thoại nữa....

***

Papini Giovanni (1881-1956) là nhà văn chuyển từ vô thần và đả phá tư tưởng chính thống sang Chủ nghĩa quốc gia tôn giáo. Ông chủ nhiệm nhiều tạp chí văn hóa và là một nhà văn hóa và tư tưởng có uy tín thời kỳ Chủ nghĩa Vị lai. Tác phẩm chính: Xẩm tối của các triết gia (1907).

Xẩm tối của các triết gia là luận văn nổi tiếng nhất của Papini. Tác phẩm đả kích một cách say sưa và đôi khi bất công triết học cổ điển (Kant, Hegel, Schopenhauer, Nietzsche). Ý đồ của Papini là phê phán một nền triết học quá nghiêng về lý luận và giáo điều.

Cuốn sách nặng nề về đả phá mà ít đưa ra tư tưởng xây dựng. Hướng xây dựng duy nhất của Papini là Chủ nghĩa thực dụng (1927): một nền triết học phải gắn với hiện thực, cuộc sống, tình cảm, ý chí hơn.