Nhỏ Bình thường Lớn

Nhạc sĩ Thuận Yến: “Bác Hồ-nguồn cảm hứng không bao giờ vơi cạn”

Thuận Yến là nhạc sĩ từ lâu đã trở nên quen biết đối với công chúng yêu nhạc qua nhiều ca khúc nổi tiếng: Mỗi bước ta đi, Người mẹ miền Namtay không thắng giặc, Bài ca đội nữ tiếp vận, Hát mừng quê ta giải phóng, Tình yêu không lời, Chia tay hoàng hôn, Hương tràm...

Đặc biệt, ông viết được 4 bài hát về Bác Hồ đều đặc sắc, rất được người nghe tán thưởng: Bác Hồ một tình yêu bao la, Vầng trăng Ba Đình, Miền Trung nhớ Bác, Người về thăm quê. Đó quả là một hiện tượng quý hiếm.

 

Nhân kỷ niệm sinh nhật Bác, nhạc sĩ (NS)Thuận Yến đã trao đổi với chúng tôi về sáng tác về Bác Hồ của ông.

 

PV:Xin chào nhạc sĩ Thuận Yến! Những ngày này khắp nơi lại vang lên những bài hát của nhạc sĩ viết về Bác Hồ kính yêu, đã được nghe rất nhiều lần mà mỗi dịp nghe lại các bài của ông, người nghe vẫn nguyên vẹn cảm xúc bồi hồi. Xin nhạc sĩ cho biết vì sao lại có thể viết được nhiều bài hay về Bác?

 

NS Thuận Yến: Tôi nghĩ là không có gì ghê gớm đâu, chẳng qua vì tình cảm của bà con mình với Bác đã quá sâu nặng. Trong mỗi chúng ta luôn có sự tôn kính, tình yêu thương, ngưỡng mộ và lòng biết ơn vô bờ bến đối với Bác nên chỉ cần một bài hát nào đó nói lên được những tình cảm ấy là họ chấp nhận. Người sáng tác cần nói đúng được tâm tư, tình cảm của mỗi con người bình dị nhất đối với vị lãnh tụ kính yêu. Tôi đã cố gắng làm điều đó.

 

PV: Nhưng ai cũng công nhận ông viết bài nào về Bác đều thành công?

 

NS Thuận Yến:Không hẳn vậy, vì đâu phải tôi chỉ viết 4 bài mà đã viết tới hơn 20 bài. Như vậy thì tỷ lệ thành công cũng đâu phải là nhiều.

 

PV:Ông có thể nhắc tới một số bài nào đó không có hiệu quả?

 

NS Thuận Yến:Ví như bài đầu tiên tôi viết có nhan đề Mỗi dòng thư Bác sáng ngời niềm tin. Đó là mùa xuân năm Mậu Thân (1968), sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta. Bác có viết thư gửi bà con Huế-Trị-Thiên, căn dặn 7 điều để động viên, cổ vũ tinh thần bà con hãy vượt qua khó khăn tạm thời, hướng tới chiến thắng không xa. Ở trong hầm chiến khu, cùng với nhà viết kịch Học Phi và nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh, tôi rất xúc động sau khi đọc thư Bác.  
Nhạc sĩ Thuận Yến
  Ngay lập tức tôi viết bài này. Bài hát khai thác chất liệu dân ca Huế, nhưng chưa có gì sáng tạo đặc biệt nên sau khi phát trên đài Giải phóng một vài lần chưa đủ sức lan tỏa rộng rãi. Hoặc bài thứ hai cũng rất đáng tiếc là sau ngày Bác từ trần (1969) tôi viết bài Mẹ ru theo tiếng Bác Hồ. Chất nghẹn ngào, bi lụy đã khiến bài này không vượt qua được một số bài khác cùng ra đời thời điểm đó có giá trị hơn.

 

PV:Vậy là hai bài đầu tiên viết về Bác như thế là thất bại, và ông cảm thấy mắc nợ?

 

NS Thuận Yến:Đúng vậy. Tôi thấy như mắc nợ với chính bản thân mình vì hình ảnh vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu luôn thôi thúc tôi mãnh liệt mà vẫn chưa viết được như ý. Tôi quyết làm bằng được, thua keo này phải bày keo khác. Năm 1979, chuẩn bị 90 năm ngày sinh của Bác, Nhà xuất bản Văn hóa “com măng” một số nhạc sĩ viết về Người, đến hạn nộp bài, các nhạc sĩ khác đã có, tôi vẫn chưa viết được, cũng bởi cảm thấy “run tay” trước nhiều bài hát cùng đề tài này rất hay đã có trong quá khứ. Tôi bị “rợp” trước những cái bóng đó. “Bà xã” tôi nói với tôi: “Thôi, hay là anh trả lại tiền tạm ứng, chứ đừng cố viết hóa gượng, không thể hay được”.   Nhưng tôi tự thấy là không thể gượng, bởi cảm xúc luôn ngập tràn. Vấn đề là mình cần tự tin, đừng vì hai lần trước thất bại mà nản. Và phải đào sâu, tìm tòi cách thể hiện mới khác. Bỗng tôi chợt nhận ra: Hầu hết các bài đã nổi tiếng đều nghiêng về việc ca ngợi công đức vị lãnh tụ ở những tầm rất cao siêu mang tính lý tưởng, khái quát, tôi nghĩ tới việc khắc họa hình ảnh Bác gắn với đời thường, gần gũi với mọi người bình dân nhất. Tôi nhớ đến hai câu thơ của Tố Hữu: “Người là Cha là Bác là Anh. Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ”. Thế là bài Bác Hồ một tình yêu bao la ra đời.

 

PV:Khi bài hát này ra đời, người nghe đã rất có cảm tình, nhất là qua sự trình diễn của ca sĩ Thanh Hoa hát với cả dàn hợp xướng. Nhưng có hơi hướng nhạc nhẹ. Ông có ý đồ từ ban đầu hay là do người hát, người phối khí cố tạo nên?

 

NS Thuận Yến:Tôi muốn thể nghiệm dùng phong cách nhạc nhẹ để chuyển tải một nội dung nghiêm túc, có sức nặng tư tưởng xem sao. Bởi thời điểm ấy, nhạc nhẹ đang rộ lên, từ các tỉnh phía Nam tràn ra Bắc, lây lan mạnh nên người ta có phần “dị ứng”, không thiện cảm. Tôi muốn chứng minh: Bản thân nhạc nhẹ (thể loại) không có tội gì, rất cần cho tuổi trẻ. Vấn đề ở chỗ những nghệ sĩ âm nhạc xử lý sáng tạo như thế nào mà thôi. Hay-dở, có giá trị hay tầm thường không ở thể loại mà ở người nghệ sĩ.

 

PV: Bài Vầng trăng Ba Đìnhcó sự cộng tác của Phạm Ngọc Cảnh, ông phổ thơ có sẵn hay làm nhạc xong, mời nhà thơ đặt lời?

 

NS Thuận Yến:Năm 1984, công trình Lăng Bác đã hoàn thành. Bộ tư lệnh Lăng mời tôi sáng tác về sự kiện này nhưng nêu rõ yêu cầu: Không ca ngợi Bác chung chung như trước đây mà nói cụ thể về việc bảo vệ Lăng của các chiến sĩ, từ đó thấy được tình cảm sâu nặng của họ đối với vị lãnh tụ kính yêu. Tôi được đưa đến thăm nơi tạm để thi hài Bác ở Đá Chông (Ba Vì, Hà Tây), nghe kể những chuyện liên quan đến việc giữ gìn như thế nào. Cảm xúc đã có nhưng hơi bí lời. Giữa lúc đang loay hoay vắt óc, tôi nhận được bài thơ của Phạm Ngọc Cảnh có nhan đề Trăng lên. Thế là tôi phổ và đề nghị với nhà thơ được đổi tên bài.

 

PV:Bài này nghe phảng phất hơi hướng vừa dân ca, vừa miền Bắc, lại có cả miền Trung.

 

NS Thuận Yến:Vâng. Đúng vậy. Tôi kết hợp ba chất liệu: chèo, ca trù ở Bắc bộ và ví dặm ở Nghệ Tĩnh.

 

PV:Ông có thể lý giải ngắn gọn về thành công của mình với bốn bài rất đặc sắc?

 

NS Thuận Yến:Như đã có dịp nói, chính vì sự cảm phục, kính yêu của tôi đối với Bác, có lẽ do tôi vừa được nghe kể vừa mục kích cuộc sống đời thường của Người đã khiến tôi vô cùng xúc động. Ví như lần tôi cùng đoàn văn công Trị Thiên ra biểu diễn phục vụ Bác. Tôi rất hồi hộp, thậm chí còn hơi run vì mình sắp gặp một con người vĩ đại. Nhưng khi gặp và tiếp xúc, tôi đã tiêu tan cảm giác đó mà thấy Bác rất đỗi thân thương, như một người cha hiền của mình. Trước khi hỏi thăm việc luyện tập, nội dung chương trình, Người quan tâm đầu tiên đến chuyện ăn ở, sinh hoạt, trang phục xem thiếu đủ thế nào, rồi hỏi đến gia đình, ruột thịt của mỗi thành viên. Tôi không sao có thể quên được những chi tiết ấy.

 

PV:Cho đến hôm nay, ông có còn ý định tiếp tục viết bài hát về Bác?

 

NS Thuận Yến:Sao không, đó là đề tài vô tận, không bao giờ vơi cạn trong mỗi người sáng tác. Tuy nhiên, vì đã có được chút thành công nên tôi cần nghiêm cẩn với mình để tác phẩm sau phải có cái gì mới hơn so với cái trước. Chỉ như vậy, công chúng mới có thể chấp nhận.

 

PV:Vâng. Xin cảm ơn nhạc sĩ về cuộc trao đổi thân mật này. Chúc ông tiếp tục có những gặt hái mới.

Theo QĐND