Biển Đông: Thêm đông, khó vui
Biển Đông là vùng biển có lợi ích then chốt với nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực. Do đó, duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại đương trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 là lợi ích chung của các quốc gia này.
Hội nghị Cấp cao Đông Á cho thấy cam kết cùa các quốc gia trong và ngoài khu vực về Biển Đông. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Trong năm 2020, tinh thần này đã được phản ánh rõ nét hơn bao giờ hết, khi nhiều quốc gia ven Biển Đông và bên ngoài lần lượt gửi công hàm thể hiện quan điểm chung về vấn để Biển Đông lên Liên hợp quốc. Đến cuối năm 2020, đã có hơn 20 công hàm và tuyên bố ngoại giao đến từ cả các nước trong và ngoài khu vực, chỉ trích và lên án các yêu sách phi lý của Trung Quốc; khẳng định UNCLOS là văn bản pháp lý quan trọng, đóng vai trò nền tảng để giải quyết các vấn đề liên quan đến biển và đại dương; phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế (PCA) năm 2016 là một phần quan trọng của luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982 – Trung Quôc cần tôn trọng phán quyết này.
Đáng chú ý, ngày 20/11, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 15 do Việt Nam chủ trì đã ra Tuyên bố Chủ tịch, bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về tình hình Biển Đông, cụ thể là “việc cải tạo đất, các hoạt động và sự cố nghiêm trọng ở khu vực này”.
Tuy nhiên, Biển Đông năm 2021 đứng trước nhiều thách thức mới.
Đầu tiên, năm 2020, Trung Quốc đã có nhiều động thái gia tăng căng thẳng trên Biển Đông như đâm chìm tàu cá Việt Nam, triển khai tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 8 với tàu hải cảnh hộ tống. Tháng 12/2020, Trung Quốc đã điều máy bay vận tải Y20 đến quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Ngày 20/11, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 15 do Việt Nam chủ trì đã ra Tuyên bố Chủ tịch, bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về tình hình Biển Đông, cụ thể là “việc cải tạo đất, các hoạt động và sự cố nghiêm trọng ở khu vực này”. |
Đáng ngại hơn, ngày 1/2/2021, Luật hải cảnh do Trung Quốc ban hành hôm 22/1/2021 chính thức có hiệu lực. Theo đó, luật này cho phép hải cảnh Trung Quốc áp dụng “tất cả biện pháp cần thiết, gồm sử dụng vũ khí” khi cái gọi là “chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền và quyền tài phán Trung Quốc” bị xâm phạm, thậm chí phá hủy công trình nước ngoài xây dựng ở vùng biển/đảo mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Sự kiện này đã gây nên làn sóng phản đối quyết liệt tại nhiều quốc gia.
Theo Giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales (Australia), thời gian tới, Trung Quốc sẽ tăng cường “cuộc chiến công hàm” liên quan đến Biển Đông, đồng thời duy trì các hoạt động trên Biển Đông.
Thứ hai, các quốc gia ngoài khu vực tiếp tục quan tâm đặc biệt tới Biển Đông. Trong những tuần đầu nhiệm kỳ, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã tăng cường tuần tra hàng hải trên Biển Đông.
Ngày 4/2, Mỹ đã điều tàu khu trục John S. McCain đi qua eo biển Đài Loan (Trung Quốc). Ngày 5/2, tàu khu trục USS John S. McCain đi vào vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Bốn ngày sau, ngày 9/2, Hải quân Mỹ thông báo hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz đã tiến hành diễn tập nhằm “tăng khả năng tương tác giữa các khí tài cũng như năng lực chỉ huy và kiểm soát" ở Biển Đông.
Ngày 17/2, tàu khu trục USS Russell đã thực hiện quyền tự do hàng hải khi đi qua các đảo Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Trong khi đó, cuối năm 2020, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer từng bày tỏ mong muốn gửi tàu chiến tới Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để tập trận cùng Hải quân Australia.
Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cho biết trong chuyến hải hành quốc tế, một tàu ngầm tấm công chạy bằng năng lượng hạt nhân nước này đã đi đến Biển Đông.
Anh mới đây cũng tiết lộ kế hoạch đưa tàu sân bay HMS Elizabeth tới Biển Đông đầu năm 2021.
Như vậy, năm 2021, tình hình Biển Đông có thể “sôi động” hơn, song nguy cơ va chạm, dẫn đến đối đầu trên thực địa, cũng như trên mặt trận ngoại giao nhằm bảo vệ lợi ích cũng lớn hơn.
Thực tế này đòi hỏi các quốc gia cần thận trọng, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, trên cơ sở thượng tôn luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng không và hàng hải trên Biển Đông.
Như vậy, năm 2021, tình hình Biển Đông có thể “sôi động” hơn, song nguy cơ va chạm, dẫn đến đối đầu trên thực địa và trên mặt trận ngoại giao giữa các bên cũng lớn hơn. |
Eo biển Đài Loan: Chực chờ bùng nổ
Trong khi đó, điểm nóng tại eo biển Đài Loan lại phức tạp không kém bởi căng thẳng ngày một leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến quan hệ giữa Mỹ và Đài Loan (Trung Quốc).
Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, quan hệ giữa Washington và chính quyền Đài Bắc đã cải thiện rõ rệt: Mỹ lần đầu tiên cử quan chức cấp cao tới thăm Đài Loan; ngày 21/10, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt 3 hợp đồng bán vũ khí trị giá 1,8 tỷ USD cho Đài Loan.
Trước khi rời Nhà Trắng, ông Donald Trump cũng để lại “món quà” mang tên Đạo luật Đảm bảo Đài Loan (TAA), hướng tới tăng cường quan hệ giữa Washington và Đài Bắc, bao gồm “bình thường hóa” việc bán vũ khí cho Đài Loan.
H6-K, máy bay ném bom tân tiến của Trung Quốc, được cho là đã xuất hiện tại Vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan (Trung Quốc) cuối tháng 1 vừa qua. (Nguồn: China Military Online) |
Quan trọng hơn, người kế nhiệm ông Trump, Tổng thống Joe Biden dường như sẽ tiếp tục duy trì và thúc đẩy chính sách của người tiền nhiệm, khẳng định cam kết “vững chắc” với Đài Loan.
Ngày 4/2, Hải quân Mỹ thông báo tàu khu trục USS John McCain được trạng bị tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke đã thực hiện một hành trình thông thường qua eo biển Đài Loan, khẳng định “quân đội Mỹ sẽ tiếp tục bay, di chuyển và hoạt động ở bất kỳ khu vực nào luật quốc tế cho phép”.
Việc Washington thách thức nền tảng của quan hệ Mỹ-Trung đã khiến Bắc Kinh nổi giận. Nếu các phát biểu quyết liệt của Trung Quốc về chủ quyền đối với Đài Loan (Trung Quốc) là chưa đủ thì tần suất dày dặc các cuộc tuần tra tại eo biển Đài Loan, với cuộc tập trận mới nhất ngày 23/1 mô phỏng cuộc tấn công bằng tên lửa nhắm vào tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt rõ ràng muốn gửi một thông điệp cứng rắn tới xứ cờ hoa.
Điều này khiến cho nguy cơ về va chạm, đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc trên thực địa và mặt trận ngoại giao tại eo biển Đài Loan hiện hữu hơn bao giờ hết. Vì thế, năm 2021 nhiều khả năng sẽ tiếp tục là 365 ngày căng thẳng tại khu vực này.