📞

Nhân lực đón đầu kỷ nguyên số

08:00 | 06/08/2017
Trong kỷ nguyên số, các cơ sở đào tạo phải là “máy cái” cần được nâng cao năng lực, thay đổi quyết liệt để cho ra lò nguồn nhân lực đáp ứng được thị trường lao động.

Đó là quan điểm của Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Ủy viên Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội) với TG&VN.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng - Ủy viên Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Ông đánh giá thế nào về chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam trong tương quan với các nước ASEAN?

Nguồn nhân lực của nước ta khá đông đảo với hơn 54 triệu người, có ưu thế trong các ngành nghề như lắp ráp, điện tử, may mặc, da giày, các mặt hàng xuất khẩu sinh hoạt. Tuy nhiên, chúng ta chưa có thế mạnh trong lĩnh vực sản xuất những mặt hàng cao cấp có tính chiến lược, phần lớn công nhân chưa đạt được năng lực cần thiết.

Trong khu vực, cơ cấu lao động phân theo trình độ của nước ta còn  bất hợp lý. Tỷ lệ lao động kỹ thuật có tay nghề, chuyên môn thực hiện các công việc trực tiếp thấp hơn tỷ lệ đại học, cao đẳng. Từ đó, dẫn đến tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, với hàng vạn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp.

Bộ phận “sĩ tử” này lại không có tay nghề phù hợp để đảm nhận những công việc liên quan đến sản xuất. Điều đáng tiếc đó dẫn đến việc Việt Nam không “phản ứng” kịp thời được như các nước ASEAN.

Một bộ phận người lao động nước ta chưa được trang bị những hiểu biết cần thiết trong môi trường lao động hiện đại. Hiểu biết văn hóa, lối sống, nhất là văn hóa tầng ngầm của bản địa rất thấp, dễ vướng vào vi phạm quy tắc sinh hoạt. Đồng thời, nước ta vẫn tồn tại căn bệnh “theo đuổi bằng cấp”, chỉ khi trượt đại học mới chuyển sang học nghề.

Vậy để tiếp cận với thị trường lao động quốc tế, lực lượng lao động trẻ của nước ta đứng trước những thách thức gì?

Các bạn trẻ cần phải hiểu biết các vấn đề kinh tế, xã hội. Đó là ý thức lao động trong một nền sản xuất công nghiệp tiên tiến, chuyên nghiệp, sẵn sàng đáp ứng thị trường lao động hội nhập cao. Ngoại ngữ luôn là mặt tồn tại của lao động nước ta, cộng với thiếu kỹ năng mềm xử lý các tình huống trong quá trình lao động trực tiếp cũng như trong các mối quan hệ xã hội. 

Trong thời đại này, người lao động phải tự trang bị những kỹ năng nào?

Không còn cách nào khác, người trẻ phải có ý thức và tác phong công nghiệp. Họ phải được đào tạo bài bản ngay từ bậc phổ thông để có trình độ tay nghề chuyên môn cao, kỹ năng, phương pháp lao động hiệu quả. Nguồn nhân lực kỷ nguyên số cần phải có khả năng ngoại ngữ tốt để giao tiếp, cập nhật kiến thức, kỹ năng và hiểu biết văn hóa, quy tắc cộng đồng nơi đến làm việc.

Để không bị bỏ lại phía sau, các bạn trẻ phải học hỏi, tự trang bị kỹ năng, tự cập nhật cuộc sống để tạo tính chuyên nghiệp. Họ cũng cần có lòng tự hào dân tộc. Những lao động làm việc tại nước ngoài phải hiểu họ không chỉ làm việc vì “miếng cơm manh áo” mà còn phải bảo vệ danh dự, lợi ích của đất nước. Vấn đề quốc thể phải được đặt lên trên hết.

Xưởng thực hành cơ điện tử và robot tự động hóa tại Trung tâm Đào tạo Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh. (Ảnh: QĐND).

Để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chúng ta phải bắt đầu từ đâu?

Trong kỷ nguyên số, người lao động phải khẩn trương thích ứng. Tôi cho rằng, việc bồi dưỡng nhân lực phải dựa trên tính chất của công việc. Từ đó, Việt Nam có thể “đi tắt đón đầu”, hoặc đào tạo tuần tự, tóm lại là phải đào tạo linh hoạt.

Khi xác định được tính chất công việc, khả năng của người lao động, việc đào tạo lao động sẽ khác. Đồng thời, các cơ sở đào tạo cần nâng cao năng lực để đuổi kịp xu hướng hiện nay. Nếu vẫn còn tình trạng “dạy chay”, hoặc vẫn dạy về máy xay, máy tiện, chắc chắn lao động sẽ không thể sử dụng được máy móc thế hệ mới thời công nghệ số. Vì thế, các cơ sở đào tạo là “máy cái”, cần phải thay đổi một cách quyết liệt. 

Vai trò của quản lý trong việc kết nối, cân bằng hài hòa giữa hai yếu tố cung - cầu?

Kết nối ba chủ thể “doanh nghiệp - cơ sở đào tạo - người lao động” là nhiệm vụ quan trọng. Cơ sở đào tạo phải thay đổi theo yêu cầu của doanh nghiệp, không nên để tình trạng doanh nghiệp phải đào tạo lại.

Nhà nước và các tổ chức có chức năng cần tăng cường công tác, nắm các thông tin thị trường lao động ngoài nước. Đặc biệt, các cơ quan quản lý lao động ngoài nước phải là cầu nối hữu hiệu, giúp nhà nước thực hiện tốt công tác ngoại giao, ký kết hợp đồng. Qua việc nắm rõ thị trường, chúng ta mới có những hợp tác tốt về lao động, thực hiện các chính sách đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với điều kiện mà đối tác cần.

Trong khu vực ASEAN, đã có nước nào làm tốt công tác này, thưa ông?

Cách đây chục năm, từ khi làm việc với Bộ Lao động Thái Lan, chúng tôi đã thấy họ làm rất tốt công tác thông tin về thị trường lao động. Trước khi đào tạo, họ đã có thông tin đầy đủ từ cơ quan, tổ chức hợp tác lao động nước ngoài về yêu cầu chất lượng, số lượng lao động. Từ đó, Bộ Lao động Thái Lan có biện pháp để xúc tiến, thậm chí thay đổi các chương trình, cơ sở đào tạo, tuyển chọn những giáo viên phù hợp để đào tạo lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài.

Có dịp đi thăm doanh nghiệp ở các khu công nghiệp lớn miền Nam Thái Lan, tôi thấy họ có sự gắn bó chặt chẽ với các cơ quan lao động địa phương. Các yêu cầu về số lượng và loại hình lao động được đưa tới cơ quan quản lý để có biện pháp  thông tin tuyên truyền đến người lao động.

Điều này cũng được làm tốt ở Philippines. Bộ Lao động và Việc làm Philippines còn lập ra các trang web dựa trên cơ sở Luật người lao động ở nước ngoài, nắm bắt thị trường lao động, từ đó thiết kế hệ thống mô hình đào tạo phù hợp. Vì thế, chất lượng lao động của Philippines tương đối cao. Họ có lực lượng giúp việc và y tế khá chuyên nghiệp, được bạn hàng như Nhật Bản rất ưa chuộng.

Xin cảm ơn ông!              

(thực hiện)