Nhỏ Bình thường Lớn

Nhân lực Việt Nam mất dần lợi thế?

Lao động và nguồn nhân lực hiện đang là vấn đề hết sức nóng đối với doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp FDI nói riêng. Đó là kết luận từ Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam với chủ đề Lao động và phát triển nguồn nhân lực, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố hôm 1/7.

Liệu năng lực hấp thụ vốn FDI của Việt Nam có thể đáp ứng được tốc độ tăng của vốn FDI cam kết? Các kết quả khảo sát của Báo cáo cho thấy một tín hiệu đáng lo ngại về khả năng hấp thụ vốn FDI của Việt Nam nói chung và của các vùng kinh tế trọng điểm thu hút FDI nói riêng. Bởi khi không có lợi thế về vốn thì việc đánh mất lợi thế về con người (hay nguồn lực lao động) sẽ làm giảm sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

 

Ngành nào cũng... khó

 

Thông qua các cuộc thăm dò, khảo sát và lấy ý kiến từ các chuyên gia trong 6 ngành được cho là mũi nhọn và bị ảnh hưởng nhiều nhất từ tác động của các vấn đề lao động và nguồn nhân lực, Báo cáo nhận định dệt may là ngành chịu sức ép rất lớn vì giá trị gia tăng trong một sản phẩm thấp, thiếu nhiều chuyên gia quản trị. Ngành xây dựng thì đang thiếu các chuyên gia tư vấn thiết kế. Ngành ngân hàng, bảo hiểm có sự giằng co nhân lực cao cấp do phải mở rộng mạng lưới các chi nhánh. Hay như ngành du lịch, du khách tăng nhưng tỷ lệ lao động được đào tạo chuyên môn lại thấp, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dịch vụ.

 

Theo Báo cáo, doanh nghiệp nhỏ và vừa là khu vực mà vấn đề lao động đang ảnh hưởng rất lớn tới hiệu quả kinh doanh. Bởi khả năng thu hút nguồn nhân lực có tay nghề và trình độ cao của doanh nghiệp nhỏ và vừa rất hạn chế. Điều này thể hiện rất rõ ở các ngành. Thí dụ ngành bảo hiểm, khi nguồn nhân lực trong toàn ngành tăng thì nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa lại giảm.

 

Các doanh nghiệp FDI lại gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút lao động bởi một khía cạnh khác. Đó là vấn đề di cư lao động đang diễn ra khá phức tạp. Khả năng đáp ứng nhu cầu lao động có trình độ cho doanh nghiệp FDI là khá khó khăn đối với các vùng kinh tế mà tại đó, số doanh nghiệp FDI và dòng vốn FDI đổ vào khá lớn. Trong khi đó, đã có những tín hiệu báo động về sự dịch chuyển ngược của lao động làm việc trong các doanh nghiệp FDI ở khu vực Đông Nam Bộ và nhất là lao động có trình độ cao ra khỏi các doanh nghiệp FDI cùng với luồng bổ sung lao động rất hạn chế cho khu vực này.

 

Trên thực tế, những địa phương thu hút nhiều FDI lại có tỉ lệ thất nghiệp lớn. Nghịch lý này cho thấy, lao động ở địa phương chưa đáp ứng đủ điều kiện để làm việc trong các doanh nghiệp FDI đòi hỏi nhân lực có trình độ. Cụ thể, Bình Dương là một trong những vùng thu hút nhiều FDI nhất nhưng lại có lượng công nhân có trình độ đáp ứng yêu cầu thấp nhất.

 

Nguồn nhân lực “chiếu tướng” FDI

 

Giai đoạn 2004–2007 đánh dấu sự nở rộ của đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Mặc dù cam kết đầu tư nước ngoài gần đây đã đạt kết quả đáng khích lệ, nhưng chủ yếu từ việc niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam được nâng cao. Khoảng cách giữa vốn FDI cam kết và vốn thực hiện không ngừng giãn ra. Tốc độ tăng của vốn FDI thực hiện vì vậy thấp hơn rất nhiều so với tốc độ tăng của vốn cam kết. Ngay cả trong giai đoạn “nở rộ” của vốn FDI cam kết (2004-2006), tốc độ này chỉ đạt được 8% (2004), 16%(2005) và 20% (2006).

 

Một nguyên nhân quan trọng dẫn đến khả năng hấp thụ vốn FDI thấp là hiện trạng phát triển nguồn nhân lực. Trong khi vốn FDI và dòng vốn đầu tư trong nước tập trung chủ yếu vào các ngành sản xuất, kinh doanh bất động sản và các ngành dịch vụ như ngân hàng, bảo hiểm, du lịch… thì vốn đầu tư vào các lĩnh vực phát triển con người như y tế, giáo dục lại rất hạn chế.

Hơn nữa, lao động làm việc trong khu vực FDI thường có yêu cầu về trình độ cao hơn trong khu vực doanh nghiệp nhà nước và ngoài quốc doanh. Cho nên, nguồn cung lao động dịch chuyển từ khu vực nhà nước và ngoài quốc doanh khó có thể thỏa mãn nhu cầu trình độ của các doanh nghiệp FDI. Nếu lao động trong các ngành công nghiệp sản xuất chế biến không cần khắt khe về trình độ học vấn và tay nghề thì trong các ngành dịch vụ, nhất là ngân hàng, du lịch và bảo hiểm, yêu cầu về trình độ là một trong những điểm tiên quyết. Vì vậy, trong khi khả năng đáp ứng nhu cầu lao động của doanh nghiệp FDI thuộc các ngành có nhu cầu lao động cao (như dệt may, thủy sản) còn thấp, tương lai nhu cầu về lao động chất lượng cao sẽ tăng lên nhiều và nhanh ở doanh nghiệp FDI trong ngành dịch vụ lại đặt ra bài toán nan giải khác.    

 

Với những cố gắng của Chính phủ về việc xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, Việt Nam đang đứng trong Top 10 của bảng xếp hạng mức thu hút đầu tư nước ngoài. Khu vực có vốn FDI đang tiếp tục khẳng định vai trò trong phát triển kinh tế của Việt Nam và thực sự trở thành một bộ phận không thể tách rời của nền kinh tế. Với tốc độ cam kết vốn FDI hiện nay, nếu không có chuẩn bị về nguồn lực lao động và có chính sách kinh tế hợp lý khuyến khích dịch chuyển lao động có tay nghề thì vị thế của Việt Nam dưới con mắt các nhà đầu tư nước ngoài rất dễ bị ảnh hưởng.

 

Anh Minh