Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Nguồn: GETTY IMAGES) |
BÌNH LUẬN CỦA BÁO THẾ GIỚI & VIỆT NAM
Đến thời điểm hiện tại, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden và cộng sự mới biểu lộ lẻ mẻ và rời rạc chính sách đối với đối tác này hay định hướng chiến lược cho khu vực kia chứ chưa thể hiện đường lối chính sách đối ngoại hoàn chỉnh và nhất quán.
Xem ra rất có thể vì hai lý do. Thứ nhất là ở những ngày tháng cầm quyền đầu tiên, ông Biden và cộng sự phải dành ưu tiên hành đầu và quan tâm nhiều nhất cho việc xử lý những vấn đề đối nội cấp thiết mà đến nay chuyện xử lý có tiến triển tích cực và thuận lợi nhưng chưa thể nói được là đã cơ bản ổn thoả và bền vững.
Thứ hai là quá trình xem xét lại và hoạch định lại chính sách đối ngoại chưa hoàn tất. Diện mạo chính sách đối ngoại của chính quyền mới ở Mỹ được ông Biden và cộng sự khái quát đại loại như sau:
Diện mạo chung của chính sách
Nước Mỹ trở lại với thế giới, ngoại giao lại được đặt vào trung tâm của chính sách đối ngoại, nước Mỹ lại đảm trách vai trò lãnh đạo thế giới Phương Tây, tập hợp, thống nhất thế giới Phương Tây dưới một quan niệm tự nhận chung rằng thế giới Phương Tây hiện thân cho dân chủ, Mỹ và Phương Tây nhân danh dân chủ đối địch với mô hình hệ thống chính trị độc tài, trực diện những thách thức đa dạng từ Trung Quốc và Nga, nhưng đồng thời những khi lợi ích cơ bản đòi hỏi thì vẫn tìm cách đối thoại với Trung Quốc và Nga.
Ngoài ra, Mỹ sẽ đảm nhận vai trò đi đầu trong việc giải quyết những vấn đề toàn cầu cấp thiết như chống biến đổi khí hậu trái đất, giải trừ vũ khí hạt nhân, an ninh mạng và ứng phó dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra.
Tuy nhiên, từ những phát ngôn công khai của ông Biden và cộng sự về mục tiêu hay định hướng của chính sách đối ngoại của chính quyền mới và từ những động thái của ông Biden và cộng sự trên phương diện đối ngoại thì đã có thể nhận diện ra được những nhân tố chính chi phối chính sách đối ngoại của ông Biden cho nhiệm kỳ cầm quyền này.
Ông Biden có cách tiếp cận và định hướng đối ngoại riêng nhưng cũng tiếp nối không ít cách tiếp cận và định hướng đối ngoại của người tiền nhiệm mà sự khác biệt có chăng chỉ ở phương thức thực hiện. |
Lộ diện năm nhân tố cơ bản
Nhân tố thứ nhất là đối nội. Điều này không hề mới lạ bởi xưa nay ở mọi nơi trên thế giới chứ không chỉ có ở mỗi nước Mỹ, đối nội luôn chi phối đối ngoại. Thậm chí trên thế giới còn thịnh hành quan điểm và nhận thức cho rằng đối ngoại là sự tiếp nối của đối nội.
Ông Biden lên cầm quyền ở Mỹ trong bối cảnh tình hình chính trường và nội bộ xã hội Mỹ bị phân rẽ sâu sắc như chưa từng thấy trong lịch sử nước Mỹ. Sự phân rẽ này là một trong những nguyên nhân chính khiến cho nước Mỹ bị sa sút uy tín và ảnh hưởng trên thế giới trong thời gian qua. Nó làm cho nước Mỹ phải bận rộn với chính mình trước hết và nhiều nhất.
Ở những tháng ngày cầm quyền đầu tiên, ông Biden phải coi trọng đối nội hơn đối ngoại và phải dùng đối ngoại phục vụ đối nội, nhưng cả về sau này nữa, mọi mưu tính của người này về đối ngoại cũng vẫn đều phải đáp ứng trước hết nhu cầu đối nội. Chính sách đối với Trung Quốc, Nga và Iran bị ảnh hưởng và tác động nhiều nhất bởi nhân tố này.
Nhân tố thứ hai là lợi ích mà cụ thể ở đây bao hàm hai dạng lợi ích khác nhau là lợi ích của nước Mỹ và lợi ích riêng của ông Biden. Lợi ích cơ bản của Mỹ liên tục và nhất quán chứ không thay đổi cùng với sự thay đổi chính phủ.
Nhưng thứ tự ưu tiên của lợi ích cơ bản và cách thức thực hiện và bảo toàn lợi ích có thể thay đổi. Ở đây, chính sách đối ngoại của ông Biden bị chi phối bởi lợi ích được xác định và ưu tiên là khôi phục và tăng cường vai trò và ảnh hưởng lãnh đạo thế giới cho nước Mỹ, uy danh và vị thế của nước Mỹ trên thế giới.
Bên cạnh đó, lợi ích riêng được ông Biden xác định trong chính sách đối ngoại là dùng chính sách đối ngoại để gây dựng hình ảnh và có được sự công nhận ở Mỹ là Tổng thống thành công với việc khôi phục vai trò, vị thế, ảnh hưởng, uy danh và uy tín quốc tế của nước Mỹ.
Ông Biden cần tác động của điều này cho phe Đảng Dân chủ trong các cuộc bầu cử tới ở Mỹ, cho chính mình nếu tái ứng cử Tổng thống năm 2024 hoặc cho ứng cử viên của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống ấy. Điều này vừa là nhân tố chi phối vừa là một mục tiêu của chính sách đối ngoại của ông Biden.
Mỹ sẽ vẫn coi trọng tiềm lực quân sự và sẵn sàng hành động quân sự nhưng chỉ khi cần thiết trong khi chính sách đối ngoại phục vụ sự trỗi dậy về kinh tế và công nghệ cao lại thường xuyên và quyết liệt. |
Nhân tố thứ ba là hiệu quả thiết thực của chính sách đối ngoại thể hiện ở chỗ con người và kinh tế được đặt vào trung tâm phục vụ của chính sách đối ngoại. Chính sách đối ngoại phục vụ trực tiếp cho số đông và tầng lớp hạng trung trong xã hội. Chính sách đối ngoại phục vụ cho sự trỗi dậy về kinh tế và công nghệ cao của nước Mỹ.
Mỹ sẽ vẫn coi trọng tiềm lực quân sự và sẵn sàng hành động quân sự nhưng chỉ khi cần thiết trong khi chính sách đối ngoại phục vụ sự trỗi dậy về kinh tế và công nghệ cao lại thường xuyên và quyết liệt.
Nhân tố này đưa đến một hệ luỵ là ông Biden sẽ hết sức kiềm chế, nếu như không muốn nói là sẽ không làm việc phát động cuộc chiến tranh mới ở bên ngoài nước Mỹ, sẽ dần chấm dứt các cuộc chiến tranh mà Mỹ hiện vẫn bị sa lầy vào, sẽ tránh hết sức để xảy ra đột biến, nhưng đồng thời sẽ cạnh tranh chiến lược đến cùng và bằng mọi giá với đối tác nào đó thách thức Mỹ về kinh tế, tài chính, thương mại và công nghệ - như Trung Quốc là ví dụ điển hình.
Nhân tố chi phối thứ tư là coi trọng các tiêu chí và hệ quy chiếu của Mỹ về dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền trong chính sách đối ngoại.
Thực chất ở đây là ý thức hệ và mô hình hệ thống chính trị. Sự biểu hiện điển hình hiện có thể thấy trong chính sách của ông Biden đối với Trung Quốc và Nga.
Nhân tố thứ năm là xác định ưu tiên mới trong chính sách đối ngoại mà cụ thể là ưu tiên theo đối tác, ưu tiên theo lĩnh vực đối ngoại và ưu tiên theo khu vực địa lý.
Cho đến thời điểm hiện tại, việc xác định ưu tiên này chưa hoàn tất. Nhưng về cơ bản có thể thấy việc đối phó Trung Quốc được ông Biden coi trọng hàng đầu, chủ nghĩa đa phương được ông Biden đề cao và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được ông Biden để ý đến nhiều hơn cả.
Nhìn vào năm nhân tố chi phối chính sách đối ngoại này của ông Biden có thể dễ dàng nhận thấy ông Biden có cách tiếp cận và định hướng đối ngoại riêng nhưng cũng tiếp nối không ít cách tiếp cận và định hướng đối ngoại của người tiền nhiệm mà sự khác biệt có chăng chỉ ở phương thức thực hiện.