📞

Nhân vật ảo: Thế hệ "sao" mới

09:07 | 28/05/2008
Bạn có biết phim viễn tưởng như I Robot đến phim hoạt hình Polar Express, rồi phim sử thi Chúa nhẫn có gì chung? Chúng đều có nhân vật ảo làm trọng tâm của phim.

Đại thắng từ Gollum

Series Chúa nhẫn vẫn được nhắc tới như một phim kinh điển của thể loại sử thi hoành tráng, một bước tiến vượt bậc về kỹ xảo quay cảnh hay dựng phim trường. Nhưng thành tựu kỹ xảo lớn nhất mà ê-kíp của đạo diễn Peter Jackson làm được chính là nhân vật Gollum.

Gollum - Nhân vật ảo quái dị trong phim Chúa nhẫn

Gollum là một nhân vật ảo với ngoại hình quái dị: da trắng bệch, đầu trọc lốc do sống lâu trong bóng đêm, luôn mang trong mình khát khao được sở hữu chiếc nhẫn quý và cuối cùng đã hi sinh cùng chiếc nhẫn.

Gollum gây ấn tượng trước hết là vì nhân vật quá bi thảm, nhưng quan trọng hơn: Gollum khiến khán giả kinh ngạc về những bước tiến của kỹ xảo: chân thực và thuyết phục như thật, đến nỗi bạn khó mà tin được nhân vật này không có thật.

Đâu phải ngẫu nhiên mà Gollum được xếp vị trí thứ 10 trong số 100 nhân vật vĩ đại nhất của điện ảnh Mỹ.

Thậm chí trong giải thưởng Oscar 2004, rất nhiều người đã cho rằng Gollum xứng đáng được giải thưởng cho diễn viên phụ xuất sắc nhất, nếu như điều lệ giải không có tiêu chí “chỉ trao giải thưởng cho những diễn viên xuất hiện trên màn ảnh”.

Sau Gollum, đạo diễn Peter Jackson tiếp tục tạo ra King Kong (trong bộ phim cùng tên) - một nhân vật ảo gây ấn tượng sâu sắc không kém.

King Kong - chàng khỉ khổng lồ có chiếc mũi hình trái tim, đôi môi hình gáo dừa và đôi mắt biểu cảm, da diết với tình yêu câm lặng đã khiến cả thế giới oà khóc trong rạp mùa Giáng sinh năm 2005.

Thật khó mà tin được nhân vật ảo lại có thể diễn xuất bằng ánh mắt chân thật đến thế.

“Anh hùng núp” sau các "sao" ảo

Có một trùng hợp: cả hai nhân vật ảo này đều do một diễn viên thật thể hiện: Andy Serkis. Chính Andy đã tạo cảm hứng để đạo diễn Peter Jackson đầu tư mạnh cho nhân vật Gollum trong phần 3 Chúa nhẫn, vì ở hai phần đầu, Gollum xuất hiện khá mờ nhạt và ít hấp dẫn.

Khi chuẩn bị dàn dựng tập 3, Peter Jackson chợt nhận ra Andy Serkis rất hợp để làm mẫu cho máy tính dựng lên nhân vật Gollum.

Các chuyên gia quét hình gương mặt Andy để lấy những đường nét đặc trưng của Gollum, rồi sau đó cho ra đời hơn 1000 bức vẽ phác thảo để mô tả tỉ mỉ 100 đường nét chi tiết. Cơ thể Andy được nối với máy tính bằng hàng chục sợi dây tương ứng với hàng chục điểm sáng, và các chuyên gia kỹ xảo sẽ dựa vào các vị trí các điểm sáng này để tạo hành động cho Gollum.

Ví dụ như để có được cảnh Gollum ăn cá sống, Andy phải nhai nhồm nhoàm một chiếc kẹo hình con cá. Để có được chất giọng sền sệt rè rè khó nghe cho Gollum, anh phải tìm một tư thế đứng hơi kỳ quặc, khiến lồng ngực bị ép lại và giọng nói bị biến dạng theo.

Cũng tương tự như thế với King Kong, Andy Serkis đã diễn bằng 132 điểm nối khắp người và từ những cảnh lãng mạn như King Kong và Ann trượt băng giữa thành phố cho đến đoạn chiến đấu với khủng long bạo chúa.

Cơ thể Andy được nối với máy tính bằng hàng chục sợi dây tương ứng với hàng chục điểm sáng, và các chuyên gia kỹ xảo sẽ dựa vào các vị trí các điểm sáng này để tạo hành động cho Gollum

Nhưng đóng King Kong vất vả hơn Gollum nhiều, vì Andy đã vào sở thú theo dõi hoạt động của loài tinh tinh, đọc sách nghiên cứu về loài này để phát hiện ra rằng ngôn ngữ của chúng chính là cách chúng kêu, gầm rú.

King Kong không nói được, nên phải dồn sức vào đôi mắt rất nhiều. Andy cũng thú nhận rằng mặc dù chẳng bao giờ thực sự thò mặt lên màn hình, anh vẫn phải lao động như một diễn viên thứ thiệt: đọc kịch bản, trao đổi với đoàn làm phim, diễn xuất trước ống kính... nhưng lại chẳng bao giờ được khán giả nhớ mặt thuộc tên như bạn diễn.

Đối thủ nguy hiểm của các ngôi sao thật?

Cảnh trong phim King Kong

Có thể nói trong tương lai, các nhân vật ảo gây khó khăn khá nhiều cho diễn viên thật. Thứ nhất, khi diễn với bạn diễn ảo, người thật phải huy động tối đa sức tưởng tượng của mình để có thể diễn xuất đạt nhất.

Việc nói những lời yêu thương với một chàng trai đẹp lung linh đứng trước mặt chắc chắn sẽ dễ dàng hơn nhiều chuyện thổ lộ tình yêu với một tấm phông xanh vô hồn, mà sau đó máy tính sẽ biến phông xanh thành Kinh Kong hay robot hay siêu nhân tùy theo yêu cầu. Và như thế, ai kém khả năng tưởng tượng sẽ bị rớt lại ngay.

Không chỉ có vậy, các ngôi sao còn dễ thu hút khán giả hơn nên nhiều khả năng làm lu mờ cả sao thật.

Ví dụ đơn giản thôi: trong phim Chúa nhẫn có rất nhiều nhân vật ấn tượng: một Aragon dũng mãnh, một Leogas đẹp như tranh, một Frodo nhiệt tình mà ngốc nghếch, một Sam chí tình chí nghĩa để đến phút cuối cùng nhưng khán giả lại dành nhiều tình cảm nhất cho Gollum - nhân vật phản diện, gây ác cảm ngay từ khi mới xuất hiện. Nếu không phải là nhân vật ảo, chắc chắn Gollum không thể được quan tâm nhiều đến vậy.

Với số lượng xuất hiện ngày càng dày đặc các nhân vật ảo, có lẽ chẳng sớm thì muộn cũng phải có sự thừa nhận chính thức dành cho những diễn viên thật âm thầm đứng đằng sau mà thôi, vì nếu không sẽ thiệt thòi cho  họ lắm lắm.

Vì ít nhất các chuyên gia kỹ xảo cũng đã có cơ hội giành giải Kỹ xảo xuất sắc trong các giải thưởng điện ảnh, còn các diễn viên thật đóng nhân vật ảo lại vẫn đang bị loại khỏi cuộc chơi.Theo Sinh Viên Việt Nam