📞

Nhật Bản: Cáp treo công cộng sẽ giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông vào năm 2025?

Chu Văn 13:10 | 20/01/2024
Nhật Bản có thể sẽ có hệ thống giao thông công cộng mới sử dụng cáp treo vào năm 2025. Những cabin hình con nhộng do Zip Infrastructure Inc điều hành hiện đang được thử nghiệm ở thành phố Odawara thuộc tỉnh Kanagawa.
Nhật Bản: Hệ thống cáp treo công cộng do Zip Infrastructure Inc điều hành hiện đang được thử nghiệm ở thành phố Odawara thuộc tỉnh Kanagawa. (Nguồn: Zip Infrastructure)

Nếu mọi việc suôn sẻ, công ty Zip Infrastructure Inc đặt mục tiêu triển khai hệ thống này tại các thành phố của Nhật Bản vào năm 2025. Nhật Bản có thể chưa có ô tô bay, nhưng tương lai của ngành giao thông vận tải chắc chắn sẽ đầy hứa hẹn.

Không giống như cáp treo thông thường trên núi, hệ thống tàu điện trên cao được thiết kế để hoạt động ở tốc độ cao và có thể chạy cứ sau 12 giây, cho phép chúng vận chuyển 3.000 người mỗi giờ.

Zip Infrastructure cho biết công ty có kế hoạch nộp hồ sơ dự thầu cho dự án thương mại đầu tiên tại Nhật Bản trước tháng 3/2025 và sẽ tham gia đấu thầu một dự án giao thông nhỏ trong Sở thú Ueno ở Tokyo. Nếu thành công, hoạt động của đường tàu điện này sẽ bắt đầu chạy vào năm 2027. Zip Infrastructure cũng đặt mục tiêu thâm nhập thị trường toàn cầu sớm nhất là vào năm 2029.

Tàu điện ở Nhật Bản nổi tiếng là hoạt động hiệu quả nhưng cũng rất đông đúc trong giờ cao điểm. Vì vậy, công ty khởi nghiệp Zip Infrastructure đang tìm cách giới thiệu một hệ thống cáp treo công cộng nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông ở trong nước, cũng như cho những quốc gia có cùng tình cảnh.

Được thành lập vào năm 2018, Zip Infrastructure đặt mục tiêu giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông ở châu Á bằng cách thiết lập các tuyến tàu điện trên cao tự vận hành, với mức chi phí xây dựng/lắp đặt thấp hơn 1/6 so với các đường tàu điện thông thường. Việc phát triển một mạng lưới các đường tàu điện trên cao có thể giúp di chuyển linh hoạt hơn trên những tuyến đường khó khăn như các khúc cua gấp và có những lối đi phân nhánh theo nhiều hướng.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Nikkei Asia, người đứng đầu bộ phận phát triển kinh doanh tại Zip Infrastructure, ông Mario Ian Carlos Ferido Rebonquin nhận định nhu cầu phương tiện giao thông chi phí rẻ ở thị trường nước ngoài ngày càng tăng, ngay cả một dự án nhỏ thành công ở Nhật Bản cũng sẽ giúp công ty tiếp cận thị trường nước ngoài với thương hiệu mang công nghệ “Made in Japan” dễ dàng hơn.

Theo ước tính của Zip Infrastructure, một tuyến xe điện Zip có chi phí khoảng 1,5 tỷ Yen/km (10 triệu USD/km), trong khi những đường ray đơn hoặc đường sắt thông thường có giá khoảng 10 tỷ Yen. Mỗi toa chở khách của Zip có trọng lượng khoảng 2 tấn, chỉ bằng 1/10 so với toa tàu thông thường, giúp giảm lượng đất cần thiết để xây dựng các giá đỡ kết cấu.

Ông Rebonquin cho biết các nước có thể tham khảo để xây dựng các tuyến đường kiểu như vậy ở những khu vực đô thị có mật độ giao thông lớn, thường xuyên gặp phải tình trạng ách tắc. Zip Infrastructure hy vọng rằng, hệ thống của Zip có thể được xây dựng trên những con đường hiện có mà không cần phải khai phá thêm đất.

Ông Rebonquin cũng nêu ví dụ về hệ thống giao thông ở Philippines, chặng hạn như một tuyến đường tàu điện dài 2 km hoặc 3 km nối quận trung tâm Makati của Philippines. Theo ông đây được xem là tuyến đường lý tưởng tại thành phố tập trung các trung tâm thương mại gần Manila này. Nơi đây có nhiều tòa nhà văn phòng nhưng nó nằm giữa các tuyến đường sắt hiện có, điều này có nghĩa là các nhân viên văn phòng sẽ phải đi bộ 20 phút hoặc bắt taxi từ ga gần nhất. Đây là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông, do nhân viên văn phòng sử dụng taxi hoặc ứng dụng gọi xe để đi làm.

Mặc dù cũng có nhiều công ty khởi nghiệp đang phát triển hệ thống giao thông tương tự như Zip, chẳng hạn như Swyft Cities ở Mỹ và Ottobahn ở Đức, nhưng công ty Nhật Bản này cho biết, họ đi trước các đối thủ vì có thể sử dụng toa xe lớn hơn, có khả năng chứa nhiều người hơn.

Cũng theo Zip, mặc dù công suất chở khách thấp hơn so với tàu điện ngầm đô thị, nhưng hệ thống của Zip nhằm mục đích bổ trợ cho phương tiện giao thông chứ không phải phương tiện thay thế cơ sở hạ tầng giao thông chính.

(theo Nikkei Asia)