TIN LIÊN QUAN | |
Mỹ - Nhật Bản: Mối quan hệ đồng minh không thể tách rời | |
Tổng thống Obama đề cao quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật Bản |
Khẳng định sự bền vững của liên minh
Là thành viên đầu tiên trong nội các mới của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump tới thăm Nhật Bản, Bộ trưởng James Mattis đã trấn an Tokyo khi khẳng định về sự vững bền của liên minh trước mối đe dọa từ Triều Tiên và Trung Quốc. Tuy nhiên, Tokyo có thể vẫn chưa hoàn toàn yên tâm, nhất là bởi rất nhiều bất ổn khó lường đang nảy sinh do chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump cũng như những bình luận mang tính đối đầu của ông về các mối quan hệ đồng minh thân thiết.
Trong các cuộc gặp tại Tokyo, ông Mattis đã đưa ra nhiều tuyên bố đảm bảo an ninh quan trọng cho Tokyo, điều mà Nhật Bản rất muốn nghe từ phía Chính quyền Trump, trong đó có việc giữ vững cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông. Không chỉ vậy, trong một bình luận tại cuộc họp báo hôm 4/2 được giới chức Nhật Bản đánh giá là “ngạc nhiên”, ông Mattis đã ca ngợi Nhật Bản là “hình mẫu” cho việc chia sẻ gánh nặng chi phí dành cho các lực lượng đồn trú của Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis duyệt đội danh dự tại Bộ Quốc phòng Nhật Bản, ngày 4/2. (Nguồn: Asia Times) |
Bộ trưởng Phòng vệ Nhật Bản Inada Tomomi ngày 5/2 cho biết bộ này sẽ xem xét lại kế hoạch tăng cường phòng vệ trung hạn để củng cố quan hệ đồng minh với Mỹ. Trước đó, bà Tomomi đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng James Mattis. Bà Tomomi cho biết bà và ông Mattis đã chia sẻ quan điểm về môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản và tình hình tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời khẳng định Nhật Bản sẽ tăng cường khả năng phòng vệ của mình về cả chất và lượng trong phạm vi hiến pháp. Đề cập đến cam kết phòng thủ, bà Tomomi cho biết vấn đề này được làm rõ dưới thời chính quyền mới của Mỹ là điều rất quan trọng.
Những lo ngại luôn còn đó
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng Chính phủ Nhật Bản vẫn chưa thể hết lo ngại bởi những cam kết từ phía ông Mattis chưa chắc đã phản ánh đúng chính sách của tân Chính quyền Trump.
Giáo sư Kazuhiro Maeshima thuộc Đại học Sophia, chuyên nghiên cứu chính sách đối ngoại và các vấn đề liên quan đến chính quyền Mỹ, cho rằng “những lo ngại luôn còn đó” bởi các cam kết có thể bị ông Trump đảo ngược bất kỳ lúc nào. Giáo sư Maeshima cũng cảnh báo rằng Nhật Bản cần phải cẩn trọng và tránh để ông Trump dùng cam kết đảm bảo an ninh tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư làm quân bài mặc cả nhằm giành lấy những nhượng bộ từ phía Nhật Bản, nhất là trong các vấn đề kinh tế như đầu tư trực tiếp từ Mỹ.
Ông Trump tự coi mình là “bậc thầy” trong đàm phán thỏa thuận và có nhiều lo ngại rằng nhà tỷ phú này sẽ tìm cách đàm phán các vấn đề kinh tế và an ninh theo cách ông vẫn hành xử với các thỏa thuận bất động sản trước đây. Cũng có những lo ngại về cách Washington đề cập tới vấn đề chia sẻ chi phí phục vụ các lực lượng của Mỹ đang đồn trú tại Nhật Bản.
Trong cuộc gặp tại Tokyo, ông Mattis không đề cập tới vấn đề này song điều đó không có nghĩa Washington sẽ không nhắc lại trong tương lai. Giáo sư Maeshima cho rằng Bộ trưởng Mattis muốn tránh gây căng thẳng trước thềm cuộc gặp giữa ông Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào ngày 10/2 tới tại Washington, cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi ông Trump lên nắm quyền ngày 20/1.
Nhật Bản là một trong những nước đồng minh vô cùng quan trọng mà Mỹ hướng tới trong chính sách Xoay trục sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương của cựu Tổng thống Barack Obama. (Nguồn: Reuters) |
Phó Giáo sư Ken Jimbo, thuộc Đại học Keio nhìn nhận chuyến thăm Nhật Bản của ông Mattis là vì một mục đích thực dụng khác, đó là Hàn Quốc, nơi Mỹ chuẩn bị triển khai Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). “Người ta không thể bỏ qua Nhật Bản nếu sắp tới Hàn Quốc”, ông Jimbo nói. Bởi vậy, các cuộc gặp ở Tokyo dường như chủ yếu chỉ tập trung vào việc chia sẻ các nhận thức chung trong mối quan hệ liên minh và các thách thức an ninh khu vực, “để dành” những vấn đề khác cho các cuộc thảo luận về sau.
Cần thúc đẩy các giá trị chung
Mọi sự chú ý đang dồn vào cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Abe-Trump, sự kiện mà Giáo sư Maeshima cho là có khả năng tác động đáng kể tới “số phận” của mối liên minh kéo dài nhiều thập kỷ này, bởi “nếu Tổng thống Trump không tái cam kết đảm bảo an ninh cho Nhật Bản ở quần đảo Senkaku, liên minh sẽ bị suy yếu”.
Ông Maeshima cho rằng Nhật Bản và Mỹ cần tiếp tục thúc đẩy các giá trị chung như dân chủ, thương mại tự do và luật pháp, vốn là các nền tảng xây dựng nên liên minh hiện hành, nếu không mối quan hệ này sẽ tan vỡ để nhường chỗ cho các lợi ích cá nhân.
Một thông tin đáng chú ý sau chuyến thăm Tokyo của ông Mattis là việc Đài NHK đưa tin cho biết giới chức lực lượng phòng vệ Nhật Bản tại Okinawa sẽ bắt đầu công tác lấp đất để xây dựng khu vực tái bố trí cho một căn cứ không quân Mỹ. Trước đó, trong ngày 5/2, năm tàu được dùng trong dự án này đã tập kết ngoài khơi khu vực Henoko, thành phố Nago. Chính phủ Nhật Bản dự kiến tái bố trí căn cứ không quân Futenma của Thủy quân lục chiến Mỹ từ khu vực đông dân cư của thành phố Ginowan tới Henoko.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đề xuất liên lạc 24/24 giờ với đồng cấp Hàn Quốc Đề xuất trên được đưa ra trong nỗ lực nhằm thắt chặt mối quan hệ liên minh Seoul - Washington nhằm đối phó với Triều ... |
Mỹ, Nhật nhất trí tăng cường quan hệ đồng minh Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis và người đồng cấp Nhật Bản Tomomi Inada nhất trí tiếp tục tăng cường mối quan hệ ... |
Chuyến đi trấn an đồng minh của tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ngày 1/2, người đứng đầu Lầu Năm Góc James Mattis đã bắt đầu chuyến công du tới Hàn Quốc và Nhật Bản, nơi ông tìm ... |