Tiêu dùng cá nhân yếu được cho là nguyên nhân chính khiến kinh tế Nhật Bản suy giảm (Nguồn: FT). |
Như vậy, sau khi tăng 1,3% trong Quý 3/2015, GDP của Nhật Bản lại suy giảm ở mức 1,4%. Đây là quý thứ hai trong năm 2015 kinh tế Nhật sụt giảm, khiến GDP cả năm tăng trưởng yếu ớt 0,4%. Nhật Bản vẫn đang tiếp tục chật vật với chu kỳ tăng trưởng và suy giảm đan xen, bất chấp chương trình chấn hưng kinh tế mang tên “Abenomics” đã kéo dài được hơn ba năm.
Tiêu dùng cá nhân yếu được cho là nguyên nhân chính khiến kinh tế Nhật Bản suy giảm, cản trở những nỗ lực của Thủ tướng Shinzo Abe nhằm thúc đẩy lạm phát và tăng trưởng. Ước tính tiêu dùng cá nhân, chiếm khoảng 60% GDP Nhật, đã giảm 0,8% trong thời gian qua. Năm vừa qua, xuất khẩu của nước này sang các thị trường mới nổi đã không đủ bù đắp cho nhu cầu tiêu dùng nội địa phập phù.
Đây là cú đòn giáng vào các chính sách kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe. Các biện pháp cải tổ nền kinh tế của ông dường như đã đem lại những hiệu quả nhất định. Trong một thời gian, giá đồng Yên giảm mạnh, lợi nhuận từ xuất khẩu tăng lên, thị trường chứng khoán ngập sắc xanh. Tuy nhiên, Abenomics đã chưa đem lại sự tăng trưởng bền vững.
Phiên giao dịch ngày Chính phủ công bố số liệu kinh tế, thị trường chứng khoán Nhật bản đã tăng khá mạnh. Tuy nhiên, chỉ số chứng khoán Nikkei đã giảm tới 30% so với thời kỳ đỉnh cao đạt được hồi tháng Sáu năm ngoái. Trong khi đó, giá Yên đã tăng gần 4% so với USD trong tuần trước và tăng tròn 6% trong tháng Một, gây trở ngại lớn cho các nhà xuất khẩu của Nhật Bản.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã tăng cường chính sách bơm tiền vào thị trường nhằm hạn chế sự tăng giá của đồng nội tệ nhưng không thành công. Trong khi đó, trong bối cảnh thị trường toàn cầu chao đảo mạnh, đồng Yên càng được giới đầu tư mạnh tay gom mua để “tránh bão”. Giới đầu tư kỳ vọng, GDP suy giảm và các vấn đề kinh tế sẽ buộc BOJ phải tăng cường các biện pháp kích thích tăng trưởng.
Theo phân tích của giới chuyên gia, kinh tế Nhật Bản sẽ tiếp tục gặp khó trong Quý 1/2016, có khả năng nước này sẽ rơi vào suy thoái trong vòng 12 tháng tới. Nhà Kinh tế trưởng của Công ty tài chính Meiji Yasuda Life Insurance (Tokyo) Yuichi Kodama nhận định: Rủi ro suy giảm tăng trưởng đối với kinh tế Nhật Bản có thể sẽ gia tăng thêm nữa, bởi đồng Yên tăng giá cản trở đầu tư cơ bản và xuất khẩu. Ngoài ra, tiêu dùng cũng sẽ tiếp tục ở mức thấp. Hiện không có một đầu tàu tăng trưởng nào rõ ràng cho nền kinh tế này”.
Ngoài ra, việc nền kinh tế lớn thứ ba thế giới lao đao có thể gây ảnh hưởng lớn đến sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, trong thời điểm giới đầu tư lo ngại về tình trạng nền kinh tế lớn thứ hai - Trung Quốc.