Dây chuyền sản xuất ô tô của hãng Toyota (Nhật Bản) tại Indonesia. (Nguồn: AP) |
Cùng với số lượng doanh nghiệp lớn đang hoạt động tại khu vực, Nhật Bản có thể giúp gắn kết các nước thành viên ASEAN trong quá trình hội nhập. Nhật Bản mong muốn phát triển mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với một thị trường rộng lớn hơn 600 triệu dân và chú trọng đầu tư vào các cơ sở sản xuất cũng như tìm kiếm cơ hội đầu tư với từng thành viên Hiệp hội. Phía Nhật Bản cho rằng, ASEAN vốn là một tổ chức chưa có liên kết sâu rộng và phụ thuộc lẫn nhau như Liên minh châu Âu (EU). Vì vậy, điều mà AC cần phải làm là đẩy mạnh tính đoàn kết giữa các nước thành viên, tạo nền tảng cho một cộng đồng phát triển mạnh mẽ. Ngoài ra, để AEC thành công, các nước thành viên cũng phải nỗ lực thu hẹp khoảng cách về kinh tế cũng như khắc phục các vấn đề phát sinh do sự đa dạng về đường lối chính trị giữa 10 “anh em”.
Năm 1990, Thủ tướng Malaysia khi đó là ông Mahathir Mohamad đã đề xuất ASEAN cần xây dựng một Hiệp định thương mại tự do (FTA) để đối phó với những thách thức kinh tế từ các nước phương Tây chính là xuất phát lý tưởng của việc ra đời Cộng đồng ASEAN hiện nay. Không dừng lại ở mục tiêu kinh tế, AC còn nỗ lực hội nhập trên cả hai lĩnh vực khác là chính trị - an ninh và văn hóa. Tuy nhiên, dường như AC vẫn chưa có hướng đi rõ ràng trong việc xây dựng cộng đồng trên trụ cột văn hóa xã hội. Hơn nữa, vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông cũng đang là một vấn đề các nước cần tập trung giải quyết.
Về kinh tế, có rất nhiều vấn đề mà ASEAN phải đối mặt để biến AEC thành một cộng đồng kinh tế sôi nổi và bền vững trong khu vực. Hiện nay, 6 thành viên ASEAN bao gồm Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan đã thực hiện xóa bỏ thuế quan đối với nhiều mặt hàng trong hoạt động thương mại nội khối. Còn 4 nước có nền kinh tế phát triển chậm hơn là Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam sẽ thực hiện xóa bỏ thuế quan vào năm 2018. Các nước cũng đang tìm cách đơn giản hóa các thủ tục thương mại, giảm bớt rào cản trong phạm vi hoạt động của công nhân lành nghề và tự do hóa đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ.
AEC có thể lớn hơn cả EU về tổng dân số, nhưng tổng GDP hiện tại chỉ đạt 2.570 tỷ USD, thấp hơn cả GDP của Nhật Bản và GDP của EU. Nguyên nhân là do khoảng cách kinh tế quá lớn giữa 10 quốc gia thành viên. Ví dụ, GDP bình quân đầu người của Singapore là hơn 50.000 USD, trong khi con số tương ứng ở Campuchia và Myanmar còn chưa được 1/50 con số đó. Bản thân các ngành công nghiệp nội khối cũng có sự cạnh tranh gay gắt. Mặc dù nỗ lực tự do hóa thương mại song một số nước lại đưa ra các mức thuế khác nhau cho nhiều mặt hàng xa xỉ, đây là hành động đi ngược lại với cam kết mở rộng thị trường của AEC. Cùng với đó, một số nước thành viên lại đang bị tụt hậu trong việc dựng xây các hệ thống cơ sở hạ tầng như đường xá và hải cảng. ASEAN chưa đưa ra được hướng đi cụ thể cho việc xóa bỏ các rào cản phi thuế quan và việc giảm bớt những tác động từ sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc.
Mặc dù không thể nói trước được triển vọng của AEC, nhưng không thể phủ nhận kinh tế các nước thành viên từ những năm 1980 đến nay đã có những bước phát triển hiệu quả. Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm của các quốc gia thành viên đã đạt trung bình 5,4% trong giai đoạn từ năm 1990 đến năm 2014, cao hơn 1,1% so với Nhật Bản. Cũng trong giai đoạn này, xuất – nhập khẩu của các nước lần lượt tăng gấp 9 và 8 lần. Hiện nay có khoảng 9.000 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động trong khu vực. Các doanh nghiệp này sẽ nỗ lực giúp đỡ ASEAN đặt nền tảng cho một cộng đồng kinh tế tăng trưởng, ổn định, từ đó góp phần đảm bảo môi trường chính trị, an ninh hòa bình trong khu vực thông qua việc gắn kết nền kinh tế các nước thành viên cũng như nâng cao năng suất lao động của nhân lực nội khối.
Thanh Thảo (theo Japan Times)