📞

Nhật Bản đưa tàu thăm dò vào quỹ đạo Sao Kim

09:52 | 09/12/2015
Cơ quan Không gian Nhật Bản đang nỗ lực nhằm đưa tàu thăm dò vũ trụ Akatsuki của họ vào đúng quỹ đạo Sao Kim lần thứ 2 trong 5 năm trở lại đây.
Hình ảnh Sao Kim chụp từ tàu thăm dò Magenland của NASA. (Nguồn: NASA)

5 năm trước, tàu Akatsuki (trong tiếng Nhật có nghĩa là "Bình minh") của Cơ quan Thám hiểm vũ trụ Nhật Bản (JAXA) đã được phóng lên quỹ đạo Sao Kim nhằm nghiên cứu bầu khí quyển của hành tinh này. Tuy nhiên, Akatsuki đã gặp sự cố vào tháng 12/2010 khi chưa hoàn thành nhiệm vụ của mình. Động cơ chính của con tàu bị trục trặc khiến Akatsuki bay lệch khỏi quỹ đạo mong muốn.

Trong một thời gian dài, con tàu đã hoạt động với 5 camera của nó hướng vào không gian một cách vô ích, cho đến khi JAXA nhận ra, con tàu này vẫn có thể tiến vào quỹ đạo Sao Kim nhờ vào động cơ đẩy của nó.

Hôm Chủ nhật vừa qua, tàu Akatsuki đã khởi động 4 trong số các hệ thống điều khiển động cơ đẩy của nó trong 20 phút - thời gian để vào được vị trí mong muốn trên quỹ đạo Sao Kim. Hiện JAXA đang thu thập dữ liệu để khẳng định liệu Akatsuki đã thực sự vào được quỹ đạo chưa.

Một quan chức JAXA cho biết, "tàu thăm dò hiện đang trong trạng thái tốt. Chúng tôi đang đo lường và tính toán quỹ đạo của nó, Sẽ mất vài ngày để Akatsuki đi vào quỹ đạo và chúng tôi sẽ công bố kết quả khi đã chắc chắn”.

Theo kế hoạch, tàu Akatsuki sẽ được duy trì lâu hơn hai năm so với dự kiến ban đầu. Các quan chức JAXA cho biết, nếu thành công, tàu thăm dò vẫn có thể hoàn thành hầu hết các nhiệm vụ của nó.

Akatsuki - còn được gọi là Tàu Nghiên cứu khí hậu Sao Kim – có chi phí 300 triệu USD, được phóng hồi tháng 5/2010, với nhiệm vụ nghiên cứu bầu khí quyển của Sao Kim, bao gồm những đám mây và thời tiết của hành tinh này. Các nhà khoa học hy vọng, qua các dữ liệu thu được, họ sẽ hiểu rõ hơn lý do Sao Kim nóng hơn và cằn cỗi hơn rất nhiều so với Trái Đất.

Nếu Akatsuki vào đúng quỹ đạo, nó sẽ là tàu vũ trụ đầu tiên nghiên cứu Sao Kim kể từ khi tàu Venus Express của Cơ quan Vũ trụ châu Âu kết thúc sứ mệnh của mình hồi năm ngoái và tự hủy khi rơi vào bầu khí quyển của hành tinh này.

Trung Hiếu (tổng hợp)