Cà phê Tanzania được ưa chuộng tại Nhật Bản, Italy, Đức. (Nguồn: Allafrica) |
Tổng Giám đốc của Hội đồng Cà phê Tanzania (TCB), Primus Kimaryo, cho biết, Nhật Bản tiêu thụ tổng cộng 29% tổng lượng cà phê xuất khẩu của Tanzania, tiếp theo là Italy 13%, Đức 13%, Bỉ 8%, Mỹ 5% và Morocco 5%.
Theo sau các nước này là Nam Phi chiếm 3%, Thụy Điển 2%, Nga 2%, Tây Ban Nha 2%, Israel 2%, Phần Lan 1%, Australia 1% trong khi các nước khác nhập khẩu 12% cà phê còn lại của nước này.
Về tình trạng tiêu thụ cà phê trong nước, ông cho hay tỷ lệ này chiếm từ 5 đến 7% trong tổng sản lượng, đồng thời cho biết thêm rằng những nỗ lực đang được tiến hành để đạt mức 15% sau 10 năm.
Ông cho biết, nước này đã thu được 235,636 triệu USD sau khi xuất khẩu 82.491 tấn cà phê trong niên vụ 2022/23. Khoản thu nhập nói trên được thực hiện sau khi Tanzania bán tổng cộng 69.805 tấn cà phê thông qua xuất khẩu cà phê trực tiếp và 12.686 tấn cà phê thông qua đấu giá cà phê địa phương.
Ông Kimaryo cho rằng cà phê robusta thống trị thị trường xuất khẩu cà phê trực tiếp với tổng số 41.017 tấn, tương đương 58,76% được xuất khẩu so với tổng số 28.788 tấn cà phê arabica tương đương 41,24%.
Sản lượng cà phê niên vụ 2022/23 đạt 82.491 tấn, tăng 23,4% so với mức 66.837 tấn được thực hiện trong niên vụ 2021/22. Theo ông Kymario, sản lượng tăng là do nông dân đẩy mạnh sản xuất và phân phối trồng các giống cà phê arabica và robusta mới cho năng suất cao hơn trên một đơn vị diện tích.
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo đất nước không nên tự hào về sản lượng như vậy vì vẫn còn một chặng đường dài phía trước để đạt được sản lượng 300.000 tấn cà phê vào niên vụ 2025/26 như đã vạch ra trong Kế hoạch hành động chiến lược 2021/22 - 2025/26.