Người Nhật sáng chế robot "vịt", tạo cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp lúa nước. (Nguồn: Twitter) |
Trong nhiều thế kỷ nay, nông dân trồng lúa ở các quốc gia châu Á đã sử dụng vịt như một sự thay thế tự nhiên cho thuốc trừ sâu. Khi đàn vịt bơi quanh các cánh đồng lúa ngập nước, chúng xé cỏ dại và ăn côn trùng. "Chất thải" của chúng thậm chí đóng vai trò là phân bón bổ sung, rất có lợi cho lúa.
Tuy nhiên, trong thời buổi công nghệ bùng nổ ở thế kỷ 21, mọi thứ đều có thể bị thay thế bởi robot, máy móc - và ngay cả những chú vịt cũng không phải ngoại lệ.
Mới đây, một kỹ sư người Nhật đang làm việc cho hãng sản xuất ô tô Nissan đã chế tạo thành công một robot có thể thay thế cho những chú vịt ngoài ruộng lúa.
Theo báo cáo từ Nippon, kỹ sư này hiện đang tiến hành thử nghiệm nguyên mẫu của mình ở tỉnh Yamagata, phía Đông Bắc Nhật Bản. Có vẻ như hiện nó mới chỉ là một dự án đang trong giai đoạn phát triển, và chưa có kế hoạch thương mại hóa hay thậm chí có bất kỳ dữ liệu nào về tính hiệu quả.
Robot Aigamo là tên gọi đặt theo tên của giống vịt được sử dụng trong nông nghiệp tại Nhật Bản, vốn đã xuất hiện từ rất lâu, theo các tập tục cổ xưa.
Robot nặng 1,5 kg và có kích thước tương đương với một máy hút bụi cỡ lớn. Chi tiết quan trọng nhất của nó là hai động cơ chân vịt bằng cao su ở mặt dưới, có chức năng thay thế cho một con vịt.
"Robot vịt" có kích thước nhỏ gọn, với nhiều tác dụng để thay thế loài vịt như đẩy nhanh quá trình oxy hóa nước bằng cách tạo bọt khí, ngăn cỏ dại bén rễ,... |
Cụ thể, robot có thể giúp đẩy nhanh quá trình oxy hóa nước bằng cách tạo bọt khí, đồng thời ngăn cỏ dại bén rễ. Nó cũng có thể bón phân bổ sung xung quanh khu vực hoạt động.
Ở Nhật Bản, nền nông nghiệp canh tác lúa nước hiện đang bị đe dọa nghiêm trọng do mức độ tiêu thụ của người dân giảm, cũng như tỷ lệ già hóa dân số, khiến không còn nhiều nông dân sẵn sàng đáp ứng công việc.
Song, với việc chuyển đổi sang robot, máy móc để thay thế con người, nông nghiệp Nhật Bản đang từng bước đổi thay để tiếp tục duy trì những bản sắc văn hóa sẵn có trong thế kỷ 21. Sự thay đổi này cũng góp phần vào cuộc cách mạng chung trong nông nghiệp tại châu Á, đặc biệt là đối với Việt Nam, Trung Quốc,... - những quốc gia vẫn duy trì nguồn thu chính từ nông nghiệp.