📞

Nhật Bản: Lý giải nguyên nhân thị trường gạo trong nước thiếu hụt nhưng xuất khẩu lại cao kỷ lục

16:24 | 04/09/2024
Các kho dự trữ gạo trên thị trường Nhật Bản liên tục giảm và ở mức thấp kỷ lục. Ngược lại, lượng gạo xuất khẩu của nước này từ tháng 1 đến tháng 7 đạt mức cao nhất là 24.469 tấn, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các kệ gạo trống rỗng tại một siêu thị ở Yokohama, Nhật Bản, ngày 28/8. (Nguồn: Stars and Stripes)

Ngày 3/9, Bộ Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản Nhật Bản cho hay, 7 tháng đầu năm, lượng gạo xuất khẩu cao nhất, 7.163 tấn, đã được xuất khẩu sang Hong Kong (Trung Quốc).

Mỹ đứng thứ hai với 4.638 tấn, tiếp theo là Singapore với 3.554 tấn. Tổng giá trị xuất khẩu cũng đạt mức cao nhất là 6,4 tỷ Yen (44,14 triệu USD), tăng 29%.

Mặc dù lượng gạo tồn kho của khu vực tư nhân đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1999, nhưng gạo dành cho xuất khẩu không thể được sử dụng trên thị trường trong nước vì trợ cấp của chính phủ gắn liền với sản lượng gạo.

Chính phủ coi gạo là một trong những sản phẩm xuất khẩu chính. Khối lượng xuất khẩu hàng năm vào năm 2023 là 37.186 tấn, tăng khoảng 12 lần so với một thập kỷ trước.

Nhu cầu gạo trong nước đang giảm. Do đó, Bộ đã hạn chế sản lượng gạo ngay cả sau khi chấm dứt chính sách vào năm 2018 khiến nông dân phải giảm sản lượng gạo. Mặt khác, Bộ đã khuyến khích nông dân trồng lúa để xuất khẩu bằng cách trả trợ cấp. Trợ cấp lên tới 40.000 Yen (276 USD) cho 1.000 m2 ruộng lúa.

Việc sử dụng gạo được trồng bằng trợ cấp là cố định, vì vậy nếu gạo được sử dụng cho thị trường trong nước, nông dân phải trả lại trợ cấp.

Bộ trưởng Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản Tetsushi Sakamoto nhấn mạnh: "Lượng gạo tồn kho của khu vực tư nhân tính đến cuối tháng 6 là 1,56 triệu tấn, lớn hơn nhiều so với khối lượng xuất khẩu hàng năm của năm ngoái. Tình trạng thiếu hụt gạo trên thị trường trong nước sẽ dần được cải thiện".

(theo TTXVN)