Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) theo hình thức trực tuyến ngày 16/6. (Nguồn: Kyodo) |
Phát biểu với những người đồng cấp tại Hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi khẳng định mong muốn giải quyết vấn đề xung quanh tình hình Biển Đông và biển Hoa Đông bằng các biện pháp hòa bình, thông qua đàm phán trực tiếp giữa các bên liên quan.
Ông Nobuo Kishi cũng chỉ trích một đạo luật của Trung Quốc được ban hành vào tháng 2 nhằm cho phép lực lượng bảo vệ bờ biển được sử dụng vũ khí đối với các tàu cá nước ngoài bị coi là xâm phạm trái phép vùng biển nước này.
Theo quan chức quốc phòng Nhật Bản, luật này có những điều khoản không phù hợp với luật pháp quốc tế, chẳng hạn như không rõ ràng về khu vực biển được áp dụng và thẩm quyền được sử dụng vũ khí.
Trung Quốc và Nhật Bản vướng vào trang chấp với một nhóm các đảo ở biển Hoa Đông mà Tokyo gọi là Sensakw, trong khi Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư.
Ở Biển Đông, Trung Quốc có các tuyên bố chủ quyền trái phép với một số đảo và quần đảo, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, đồng thời gây lo ngại bằng cách quân sự hóa các tiền đồn mà họ đã xây dựng ở các khu vực có tranh chấp trên biển.
Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng phản đối mọi hành vi xâm phạm chủ quyền và các quyền liên quan của Việt Nam đối với hai quần đảo này.
Trong buổi họp báo thường kỳ ngày 10/6 của Bộ Ngoại giao diễn ra theo hình thức trực tuyến, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng một lần nữa khẳng định: “Các cơ quan chức năng Việt Nam luôn theo dõi sát mọi hoạt động tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như các vùng biển của Việt Nam tại Biển Đông”.
“Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử, cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế".
"Việt Nam kiên quyết phản đối mọi hành động xâm phạm chủ quyền và các quyền liên quan của Việt Nam đối với quần đảo này. Việt Nam yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, tôn trọng luật pháp quốc tế, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình, có đóng góp thiết thực và tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông, cũng như tạo môi trường thuận lợi cho đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC)”.