Phòng điều khiển Tổ máy số 3 của nhà máy điện hạt nhân Takahama đã phải ngừng hoạt động. (Nguồn: CNN) |
Trước đó hôm 9/3, Tòa án huyện Otsu, tỉnh Fukui của Nhật Bản đã ra lệnh đóng cửa lò phản ứng số 3 và số 4 tại nhà máy hạt nhân Takahama, cách thủ đô Tokyo 350km về phía Tây. Nhà máy này do Công ty Điện lực Kansai quản lý.
Tổ máy số 3 của nhà máy điện hạt nhân Takahama được đưa vào hoạt động trở lại từ ngày 29/1 và hiện là lò phản ứng đầu tiên tại Nhật Bản phải dừng hoạt động theo phán quyết này.
Mặc dù, phán quyết yêu cầu ngừng cả tổ máy số 3 và 4, tuy nhiên tổ máy số 4 (được khởi động lại 26/2) đã tự động ngừng vào ngày 29/2 do phát hiện có vấn đề về kỹ thuật. Hiện nhà máy này đang trong trạng thái tắt máy và làm lạnh để điều tra nguyên nhân sự cố.
Theo Tòa án huyện Otsu, quyết định đóng cửa hai lò phản ứng trên là do kế hoạch ứng phó khẩn cấp đối với các tai nạn nghiêm trọng của nhà máy Takahama có “một số điểm còn mơ hồ” trong khi các biện pháp đối phó với sóng thần và kế hoạch sơ tán thì còn “nhiều vấn đề”.
Phán quyết này là một đòn giáng mạnh vào nỗ lực của Chính phủ Nhật nhằm tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân với yêu cầu an toàn nghiêm ngặt hơn sau khi thảm họa Fukushima năm 2011. Thủ Tướng Shinzo Abe nói rằng, Chính phủ sẽ tiếp tục cố gắng để khởi động lại các tổ máy đáp ứng quy định an toàn mới nhằm đảm bảo cung cấp điện ổn định tại Nhật Bản.
Sau 5 năm kể từ thảm họa Fukushima, Nhật Bản đang từng bước phụ thuộc trở lại vào năng lượng hạt nhân sau khi hai lò phản ứng tại nhà máy Sendai Kyushu Electric Power Co ở tỉnh Kagoshima đã được khai thác trở lại năm ngoái rồi đến hai tổ máy tại nhà máy Takahama hồi đầu năm nay.
Theo đó, Chính phủ Nhật Bản hy vọng đảm bảo được 20 - 22% nhu cầu điện của đất nước từ năng lượng hạt nhân vào năm 2030 bằng cách đưa các lò phản ứng hoạt động trở lại sau khi đã phải ngừng hoàn toàn từ năm 2011.
Hôm nay (11/3) là ngày kỷ niệm 5 năm ngày xảy ra thảm họa động đất, sóng thần Fukushima tại Nhật Bản.