Mọi thứ bắt đầu bằng một trận động đất cách đảo Honshu, hòn đảo đông dân nhất Nhật Bản khoảng 70km về phía Đông Bắc. Trận động đất có cường độ 9.1 độ richter mạnh đến mức làm nghiêng trục Trái Đất và dịch chuyển hòn đảo chính của Nhật Bản về phía Đông lên tới 4 mét. Ảnh hưởng của trận động đất đã tạo ra cơn sóng thần cao 40 mét, quét sâu vào trong 10km nội địa, phá hủy toàn bộ thị trấn, trong đó bao gồm nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. Ba lò phản ứng hạt nhân tan chảy làm rò rỉ phóng xạ vào môi trường tự nhiên. (Nguồn: Reuters)
Cảnh tượng hoang tàn ở Natori sau khi bị sóng thần, động đất san phẳng vẫn còn là nỗi ám ảnh trong tâm trí nhiều người. Khoảng 20.000 người thiệt mạng, hơn 2.500 người mất tích, hơn 6.000 người bị thương nặng, thiệt hại về tài sản và cơ sở hạ tầng ước tính khoảng 235 tỷ USD, chưa kể toàn bộ chi phí dọn dẹp Fukushima Dai-ichi. (Nguồn: AP)
Để khắc phục những hậu quả do thảm họa gây ra, cho đến nay, Nhật Bản đã phải chi 38.000 tỷ Yen cho việc dọn dẹp các đống đổ nát, xây dựng lại thành phố, hệ thông giao thông, đê điều, trường học… (Nguồn: AFP)
50 công nhân đã tình nguyện ở lại ngay sau thảm họa ngày 11/3/2011 nhằm cứu nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-ichi để ngăn chặn tình trạng phóng xạ ngày một lan rộng, bất chấp việc làm này vô cùng nguy hiểm đến tính mạng. Họ được tôn vinh là những samurai cảm tử thời hiện đại và được gọi bằng cái tên: “Fukushima 50”. Sau đó, 150 đồng nghiệp của họ đã đến chung tay, chia thành các ca 50 người luân phiên túc trực tại nhà máy. (Nguồn: AP)
Fukushima hiện nay đang được tái sinh để trở thành một trung tâm năng lượng mặt trời và gió. Chính phủ Nhật Bản đã có kế hoạch dùng 2,75 tỷ USD xây dựng 11 trạm sản xuất điện mặt trời, 10 trạm turbine gió. Dự kiến, các công trình này sẽ được xây dựng trên diện tích đất nông nghiệp không còn khai thác được nữa do nhiễm phóng xạ cũng như những vùng đồi núi ít người sinh sống. (Nguồn: Nikkei)
Ngày 10/3, Nhật Bản cho biết các nhà chức trách tỉnh Fukushima vẫn tiếp tục điều tra những tác động tiềm tàng của chất phóng xạ đối với sức khỏe người dân. (Nguồn: AP)
Tại một số khu rừng ở Fukushima, các nhà khoa học đã tìm thấy bằng chứng về lượng bức xạ còn tồn tại. (Nguồn: New York Times)
Hình ảnh những ngôi nhà mới mọc lên ở làng Shirahama ở tỉnh Miyagi (Nhật Bản). Không còn những khung cảnh hoang tàn và các đống đổ nát tại thời điểm xảy ra thảm họa. Thay vào đó là những ngôi nhà khang trang, những tòa nhà hành chính mới xây và những con đường trải nhựa thẳng tắp.
Nhiều công trình đang được xây dựng xung quanh nhà máy điện tại Fukushima để “hồi sinh vùng đất chết", đồng thời tạo công ăn việc làm cho người dân và khuyến khích họ quay lại quê hương. (Nguồn: AP)
Ngày 11/3/2021, cả nước Nhật im lặng mặc niệm lúc 14h46, giờ địa phương, đánh dấu khoảnh khắc trận động đất kinh hoàng xảy ra cách đây 10 năm, đã để lại những mất mát mà theo Thủ tướng Yoshihide Suga, đến nay vẫn quá sức chịu đựng.Trong ảnh là khoảnh khắc người dân thả bóng bay hình bồ câu tại buổi lễ tưởng niệm tại tỉnh Miyagi. (Nguồn: AFP)
Trong bức ảnh ghép này, từ trái qua, từ trên xuống: hình ảnh một con tàu bị sóng thần cuốn đi ở vùng dân cư tại Kesennuma, Đông Bắc Nhật Bản trong bức ảnh chụp ngày 28/3/2011. Con tàu vẫn ở nguyên vị trí trong bức ảnh chụp ngày 23/2/2012. Vẫn khu vực đó trong bức ảnh chụp ngày 6/3/2016 sau khi con tàu được tháo dỡ đi và bức ảnh chụp tại khu vực này ngày 5/3/2021. (Nguồn: AP/MAINICHI)
Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 đã thu hút sự chú ý lớn từ truyền thông quốc tế, khẳng định vị thế của Việt Nam trong hợp tác quốc phòng toàn cầu.