Được thành lập với mục đích hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu, Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu G7 sẽ có rất nhiều việc cần làm trong năm nay. Tại cuộc họp Mùa Xuân, Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) đã dự báo nền kinh tế thế giới sẽ chỉ tăng trưởng khoảng 3,2% trong năm nay, ít hơn so với con số 3,4% được dự đoán vào hồi tháng 1. Việc kích thích sự tăng trưởng của kinh tế thế giới đã trở nên cực kì khó khăn đối với những nền kinh tế công nghiệp tiên tiến. Trên thực tế, không ít quốc gia đã thất bại với này.
Trên cương vị là lãnh đạo của nước chủ nhà, Thủ tướng Abe mong muốn G7 khẳng định rõ vai trò lãnh đạo toàn cầu. (Nguồn: JapanGov) |
Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn tồn tại sự khác biệt giữa chính các thành viên G7 về việc lựa chọn cách thức để đạt được mục tiêu tăng trưởng. Để giải được bài toán khó này, tờ Nikkei mới đây có đưa ra ba việc khó khăn mà Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cần phải làm tại Ise-shima - nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G7 là thuyết phục các nhà lãnh đạo G7 rằng kích thích tài chính là giải pháp cần phải thực hiện, có được cam kết của họ về cải cách cơ cấu và cuối cùng là chấp nhận sự giám sát của IMF về việc phối hợp các chính sách kinh tế.
Trong báo cáo đưa ra hồi tháng 4, IMF dự đoán tăng trưởng kinh tế năm 2016 của Hoa Kỳ sẽ là 2,4%; Vương quốc Anh là 1,9%; Đức và Canada 1,5%; Pháp 1,1%; Italy 1,0% và chỉ 0,5% cho Nhật Bản. Tuy nhiên, sau kết quả khả quan của quý đầu tiên trong năm tài chính 2016 (từ 4/2016 đến 3/2017), Chính phủ Nhật Bản đưa ra một dự báo lạc quan hơn với GDP tăng trưởng khoảng 1,7%. Tuy nhiên, điều đó đồng nghĩa với việc ông Abe sẽ phải vượt qua rất nhiều thách thức. Tất nhiên, Thủ tướng Nhật Bản cũng kỳ vọng vào các dấu hiệu tích cực từ tăng trưởng toàn cầu trong dài hạn.
Các nhà lãnh đạo G7 sẽ gặp khó khăn trong việc lựa chọn các ưu tiên, nhưng đối với Nhật Bản cuộc họp G7 này sẽ có ý nghĩa lớn hơn cả. Ông Abe sẽ có cơ hội để giải thích về một loạt các ưu tiên chiến lược khác biệt của Nhật Bản, nhưng ông cũng sẽ cần tới sự ủng hộ của họ để cùng chung tay thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu.
Thách thức đối với các nhà lãnh đạo G7 là làm thế nào để giải quyết các vấn đề chung của toàn cầu đang đan xen với nhau. Đứng trên cương vị là lãnh đạo của nước “chủ nhà”, ông Abe mong muốn G7 khẳng định rõ vai trò lãnh đạo toàn cầu, trong một thế giới đang ngày càng phức tạp và đáng lo ngại.
Trước Hội nghị thượng đỉnh G7, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã công bố một gói tài trợ 1,1 tỷ USD dành cho các nỗ lực toàn cầu chống AIDS, lao và sốt rét. Nhật Bản cũng sẽ hỗ trợ thêm cho Ngân hàng Thế giới (WB) và giúp đỡ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chống lại những đại dịch như Ebola.