Mới đây, hàng trăm 'tàu cá' Trung Quốc đã xuất hiện ở khu vực tranh chấp trên Biển Đông, khiến dư luận quốc tế bày tỏ quan ngại. Nhật Bản cho rằng, việc gia tăng các hoạt động căng thẳng ở Biển Đông và biển Hoa Đông thời gian qua của phía Trung Quốc đã làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của các bên liên quan. (Nguồn: AP) |
Đại diện bên phía Nhật Bản tham dự là Phó Tổng vụ trưởng phụ trách Chính sách Quốc phòng thuộc Taro Yamato, trong khi phía Trung Quốc là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Hợp tác quân sự quốc tế, Quân ủy Trung ương Tống Diên Siêu.
Tại hội nghị, đại diện Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã bày tỏ quan ngại mạnh mẽ đối với Luật Hải cảnh mới của phía Trung Quốc, bắt đầu có hiệu lực từ tháng 2/2021.
Ông Taro đồng thời cho rằng, việc gia tăng các hoạt động căng thẳng ở Biển Đông và biển Hoa Đông thời gian qua của phía Trung Quốc đã làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của các bên liên quan, trong đó có Nhật Bản.
Ngoài ra, dự thảo xây dựng đường dây nóng giữa cơ quan quốc phòng hai nước tiếp tục được hai bên thảo luận và thúc đẩy quá trình chỉnh sửa để sớm đạt được thống nhất chung.
Trước đó, hôm 28/3, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi và người đồng cấp Indonesia Prabowo Subianto đã nhất trí gửi thông điệp tới các nước còn lại trên thế giới rằng, hai nước này sẽ phản đối mạnh mẽ bất kỳ hành động nào của Trung Quốc có thể làm leo thang căng thẳng trong các vùng biển khu vực.
Thông điệp được đưa ra trong cuộc họp báo sau hội đàm của hai bộ trưởng ở Tokyo. Bộ trưởng Kishi cho biết, hai bên sẽ kêu gọi Trung Quốc kiềm chế, không tìm cách đơn phương thay đổi hiện trạng ở các vùng biển Hoa Đông và Biển Đông.
Bộ trưởng Kishi cũng bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc ban hành luật cho phép lực lượng hải cảnh bắn vào các tàu xâm phạm khu vực mà Trung Quốc coi là vùng biển của nước này.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ quốc phòng hai nước cũng nhất trí thúc đẩy hợp tác quốc phòng và tổ chức tập trận chung cho các lực lượng Nhật Bản và Indonesia ở Biển Đông.