Máy bay AC-130 Hercules của Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản. (Nguồn: Reuters) |
Đợt huấn luyện trên không lần này giữa Nhật Bản và Philippines tập trung vào hoạt động cứu trợ nhân đạo và ứng phó thảm họa sẽ kéo dài đến ngày 8/7.
Phía Nhật Bản sẽ điều máy bay chở hàng C-130H và quân nhân phối hợp cùng các phi công Philippines mô phỏng việc vận chuyển hàng cứu trợ ở những khu vực bị cô lập.
Trong bài phát biểu do Đại sứ quán Nhật Bản tại Manila công bố hôm 1/7, Thiếu tá Mizuno Masaki, Chỉ huy trưởng Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản, khẳng định: “Nhật Bản và Philippines đều là những quốc gia chịu nhiều thiên tai và chúng tôi có thể chia sẻ rất nhiều điều về các hoạt động cứu trợ thiên tai để bảo vệ tính mạng cho người dân…
Với tư cách là đối tác chiến lược và là người bạn của Philippines, chúng tôi hy vọng rằng đợt huấn luyện song phương sẽ góp phần đẩy mạnh hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa lực lượng không quân của hai nước”.
Nhật Bản và Philippines – hai đồng minh của Mỹ - đều có mâu thuẫn với Trung Quốc trong việc Bắc Kinh điều động tàu thuyền và máy bay tại các vùng Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Động thái của Nhật Bản
Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh các đồng minh khác của Mỹ đang có những bước đi lớn hơn nhằm duy trì tự do hàng hải và hàng hông trong khu vực này, trong đó gồm cả các cuộc tuần tra hải quân.
Hiện Mỹ cũng đang tìm cách thành lập một liên minh nhằm chống lại các mối đe dọa từ Trung Quốc, vốn đang gia tăng hành động quân sự hóa.
Nhật Bản đang nổi lên như một “cường quốc chủ động” trong một “liên minh các nền dân chủ” đang hình thành – vốn được giới chức Mỹ kỳ vọng sẽ giúp ngăn chặn một cuộc chiến với Trung Quốc.
Thiếu tá Mizuno nói: “Chúng tôi mong muốn cải thiện khả năng phối hợp và vận hành trong các hoạt động cứu trợ nhân đạo và ứng phó thảm họa, thông qua các đợt huấn luyện với Lực lượng Không quân Philippines”.
Nhật Bản đã hỗ trợ Philippines sau thảm họa do siêu bão Haiyan gây ra vào năm 2013, khiến hơn 6.000 người thiệt mạng và hàng trăm nghìn gia đình mất nhà cửa.
Tháng 1/2015, Nhật Bản và Philippines đã ký một thỏa thuận nhằm tăng cường quan hệ quốc phòng. Kể từ đó, hai nước đã tiến hành 17 cuộc tập trận hải quân chung.
Tokyo cũng đã chuyển giao các thiết bị quốc phòng và công nghệ, giúp Manila tăng cường các hoạt động tuần tra trên Biển Đông.
Trong bối cảnh đó, cuộc tập trận chưa từng có tiền lệ này là lời cảnh báo của Tokyo về sức mạnh quân sự và các động thái gây hấn ngày càng mạnh mẽ của Bắc Kinh trong cuộc tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng - không chỉ với Nhật Bản mà còn cả Philippines.
Ý đồ của Philippines
Thông báo về cuộc tập trận được đưa ra cùng ngày giới chức Mỹ tại Manila khởi động lễ kỷ niệm 75 năm Hiệp ước Manila, được ký kết vào ngày 4/7/1946, cũng như thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Philippines.
John Law, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ tại Đại sứ quán ở Manila, cho biết: “Trải qua những cuộc chiến tranh, thiên tai, đại dịch và mọi điều có thể xảy đến, mối quan hệ Mỹ-Philippines… đang phát triển mạnh mẽ trong năm thứ 75”.
Philippines được coi là một trong những đồng minh quan trọng nhất của Mỹ trong khu vực, do vị trí của nước này liên quan đến các tuyến hàng hải chiến lược.
Tuy nhiên, việc Tổng thống Duterte tỏ ra lo ngại trước Trung Quốc và không hài lòng với các cơ quan nhân quyền của Mỹ đã cản trở nỗ lực của giới chiến lược ở cả hai nước – những người mong muốn cải thiện hợp tác an ninh để răn đe Trung Quốc.
Trong khi đó, Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn Biển Đông, khu vực có một số tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất trên thế giới, mà không quan tâm đến các tuyên bố chủ quyền của Philippines và các quốc gia khác trong khu vực.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) cũng đã triển khai tên lửa đất đối không và tên lửa chống hạm đến các đảo nhân tạo.