Phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington ngày 15/9, Bộ trưởng Nhật Bản Tomomi Inada cho biết Nhật Bản sẽ tăng cường sự can dự ở Biển Đông. Đây là nơi mà Tokyo và Washington cùng chia sẻ quan ngại trước những tuyên bố chủ quyền gia tăng của Trung Quốc và sự can dự này bao gồm việc xây dựng năng lực cho các quốc gia ven biển.
Nhật Bản cũng sẽ tăng cường hoạt động trên Biển Đông thông qua các cuộc tuần tra huấn luyện chung với Mỹ cùng các cuộc tập trận trong khuôn khổ song phương và đa phương với hải quân các nước trong khu vực.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada. (Nguồn: CSIS) |
Bộ trưởng Inada cũng chỉ trích việc Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa các đảo trên Biển Đông, cũng như việc Bắc Kinh bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài tại The Hague (Hà Lan) đưa ra hồi tháng 7 vừa qua liên quan đến vụ kiện giữa Trung Quốc và Philippines, trong đó khẳng định các tuyên bố chủ quyền rộng lớn của Trung Quốc ở Biển Đông không có cơ sở pháp lý.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản nêu rõ: "Những hành động của Trung Quốc đang cấu thành một nỗ lực có chủ ý, đơn phương thay đổi hiện trạng và làm suy yếu các quy tắc hiện hành".
Ngoài ra, bà Inada cũng đề cập đến việc các tàu hải cảnh của Trung Quốc đi vào vùng lãnh hải Nhật Bản gần khu vực quần đảo tranh chấp mà Nhật Bản gọi là Senkaku, còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông trong thời gian gần đây. Quan chức này đồng thời cam kết Tokyo sẽ tiếp tục kêu gọi Bắc Kinh hành động như "một đại diện của sự ổn định và thịnh vượng".
Trước đó, tại vòng tham vấn cấp cao lần thứ 5 giữa hai nước về các vấn đề biển diễn ra ngày 14 và 15/9 ở thành phố Hiroshima, miền Tây Nhật Bản, Trung Quốc và Nhật Bản đã nhất trí đẩy nhanh tiến trình đàm phán về cơ chế liên lạc trên biển và trên không giữa Bộ Quốc phòng hai nước. Tiến trình này nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra sự cố bất ngờ trên biển Hoa Đông.
Hai bên khẳng định sẽ đóng góp vào việc duy trì hòa bình và ổn định ở biển Hoa Đông, đồng thời trao đổi quan điểm về các chính sách và điều luật liên quan đến biển, đồng thời cam kết tiếp tục thực hiện đối thoại về lĩnh vực này. Các quan chức của hai nước cũng trao đổi quan điểm về nguyên tắc đồng thuận các vấn đề trên biển Hoa Đông và nhất trí trên nguyên tắc vòng tham vấn cấp cao lần thứ 6 về biển sẽ được tổ chức trong năm nay tại Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana. (Nguồn: Update Philippines) |
Trong một diễn biến liên quan, Inquirer (Philippines) dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana tuyên bố Manila chủ trương “duy trì nguyên trạng” ở Biển Đông, nơi có tranh chấp chủ quyền với một số quốc gia trong khu vực. Cụ thể, trong phiên điều trần trước Ủy ban Quốc phòng của Hạ viện về ngân sách quốc phòng năm 2017, ông Lorenzana loại trừ khả năng Manila phô trương sức mạnh ở Biển Đông vì Philippines “không có phương tiện để đối đầu với các quốc gia khác cùng có tuyên bố chủ quyền” tại vùng biển này.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterter lên nắm quyền từ ngày 30/6 vừa qua và chủ trương đối thoại với Bắc Kinh để cùng khai thác tài nguyên ở Biển Đông, nơi nhiều quốc gia Đông Nam Á cùng có tuyên bố chủ quyền.