📞

Nhật Bản rối trí khi Mỹ rút khỏi TPP

11:46 | 03/02/2017
Việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là đòn đau đối với Chính phủ Nhật Bản. Giờ đây, Nhật Bản đang rất rối trí trong việc định hướng hành động. 

Ngày 10/2 tới, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ gặp nhau tại Washington. Nội dung nghị sự là thỏa thuận song phương Mỹ-Nhật về thương mại tự do và đầu tư song phương. Giới quan sát Nga cho rằng kỳ vọng của Nhật Bản vào chuyến đi này vô cùng cao.

Ngày 23/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức ký sắc lệnh hành chính rút nước này khỏi TPP. (Nguồn: Getty Images)

Những đòn đau

Việc Mỹ rút khỏi TPP là đòn đau đối với Chính phủ Nhật Bản. Giờ đây, Nhật Bản đang rất rối trí trong việc định hướng hành động.

Thứ nhất, ông Abe coi việc tham gia đàm phán TPP và đi đến kết cục thành công là một trong những thành tích chính trị lớn nhất của cá nhân ông. Giới có ảnh hưởng tại Nhật Bản phản đối mạnh ý tưởng tham gia TPP vì lý do chính trị cũng như tư tưởng. Một mặt, họ chỉ ra tính dễ bị tổn thương của nền nông nghiệp Nhật Bản một khi buộc phải dỡ bỏ hàng rào thuế và phi thuế quan bảo vệ thị trường trong nước. Mặc khác, về nguyên tắc, họ luôn phản đối việc thay đổi quy định hải quan, tiêu chuẩn kiểm dịch và các tiêu chuẩn khác, điều kiện làm việc cho các nhà đầu tư nước ngoài, quy định tổ chức mua sắm công... Để Nhật Bản tham gia và Nghị viện phê chuẩn TPP, ông Abe đã phải bỏ ra một số vốn liếng chính trị lớn.

Thứ hai, với việc Mỹ rút khỏi TPP, Thủ tướng Abe mất đi đòn bẩy để thúc đẩy một số quyết định, trước hết liên quan đến thay đổi cơ chế quản lý kinh tế trong nước vốn đang vấp phải sự phản kháng của chính giới và nạn quan liêu. Giờ đây khi ra quyết định (về cải cách) ông sẽ không thể lấy cớ thực hiện nghĩa vụ quốc tế của Nhật Bản và nguy cơ bị kiện từ phía các đối tác nước ngoài.

Thứ ba, bên được hưởng lợi từ quyết định của ông Trump là Trung Quốc. Đây là tin xấu đối với Nhật Bản. Các chính quyền tiền nhiệm của Mỹ đều xem Trung Quốc là lực lượng quá tham vọng và đồng thời quá khác biệt về chính trị để có thể đóng vai trò then chốt trong việc soạn thảo các quy định kinh doanh. Theo đó, họ muốn đẩy Trung Quốc ra ngoài các cuộc đàm phán về điều kiện mở cửa thị trường của nhau. Nếu Mỹ giờ đây tự rút khỏi quá trình tạo ra "sân chơi" đa phương để tự do hóa thương mại và đầu tư quốc tế thì ý kiến của Trung Quốc sẽ phải được tính đến.

Để Nhật Bản tham gia và Nghị viện phê chuẩn TPP, ông Abe đã phải bỏ ra một số vốn liếng chính trị lớn. (Nguồn: Reuters)

Phương án thay thế

Thứ tư, Nhật Bản sẽ có thiệt hại kinh tế trước mắt, cho dù khó định lượng. Thị trường Mỹ là thị trường ưu tiên của các tập đoàn công nghiệp và tài chính Nhật Bản vì quy mô của nó và cửa tiếp cận khá tự do. Giờ đây, Nhật Bản đặt nhiều kỳ vọng vào đàm phán thỏa thuận song phương Mỹ - Nhật về thương mại tự do. Nếu Mỹ giữ quan điểm cứng rắn, gắn quyền tiếp cận tự do thị trường Mỹ của các công ty Nhật Bản với việc mở cửa thị trường nông sản Nhật Bản, thì cả doanh nghiệp và Chính phủ Nhật Bản sẽ rơi vào tình huống vô cùng bất lợi. 

Hiện nay, Chính phủ Nhật Bản không thể tránh được việc phải trả lời câu hỏi họ sẽ làm gì sau quyết định của Mỹ rút khỏi TPP. Phương án đơn giản nhất và có khả năng nhất là Tokyo tập trung vào đàm phán với Washington soạn thảo thỏa thuận kinh tế song phương. Tiếp đến là Nhật Bản theo đề xuất được Thủ tướng Australia tích cực thúc đẩy, trong đó thử tìm kiếm phương án triển khai các thỏa thuận đã đạt được trong khuôn khổ TPP với các thành phần tham gia khác, không có Mỹ. Phương án cuối cùng là chuyển hướng sang các hiệp định thay thế TPP. Trước hết, đó là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) do ASEAN đề xuất và được Trung Quốc tích cực ủng hộ, bao gồm các nước thành viên ASEAN và các nước mà ASEAN có hiệp định thương mại tự do gồm Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và Ấn Độ.

(theo Russiancouncil.ru)