Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prayut Chan-o-cha và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio ngày 2/5 tại thủ đô Bangkok. (Nguồn: AP) |
Sau cuộc hội đàm chính thức, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prayut Chan-o-cha và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã chứng kiến lễ ký 3 hiệp định giữa Thái Lan và Nhật Bản và có cuộc họp báo chung vào cuối buổi chiều 2/5.
Theo người phát ngôn chính phủ Thái Lan Thanakorn Wangboonkongchana, 3 thỏa thuận mới được ký kết bao gồm trao đổi biên bản về hợp tác tài chính và hiệp định chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng giữa chính phủ Thái Lan và chính phủ Nhật Bản cùng với trao đổi biên bản về khoản tài trợ của chính phủ Nhật Bản theo Chương trình Hỗ trợ ứng phó khẩn cấp khủng hoảng Covid-19.
Trong tuyên bố của mình, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha hoan nghênh chuyến thăm của Thủ tướng Kishida Fumio, diễn ra vào dịp kỷ niệm 135 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước.
Đây cũng là thời điểm Thái Lan đảm nhiệm cương vị Điều phối viên quan hệ ASEAN-Nhật Bản giai đoạn 2021-2024, trong đó hai bên sẽ kỷ niệm 50 năm hữu nghị và hợp tác vào năm 2023, và Thái Lan đăng cai tổ chức APEC 2022.
Việc nâng tầm từ Đối tác chiến lược lên Đối tác chiến lược toàn diện thể hiện mối quan hệ chặt chẽ và phát triển mạnh mẽ giữa Thái Lan và Nhật Bản.
Trong chuyến thăm kéo dài 2 ngày, hai bên đã thảo luận 6 vấn đề quan trọng, bao gồm nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược; tăng cường hợp tác kinh tế cho tương lai; thúc đẩy hợp tác cho sự hồi phục hậu Covid-19; tăng cường hợp tác quốc phòng, an ninh và tư pháp; tăng cường hợp tác trong sự phát triển của tiểu vùng và khu vực; và tăng cường hợp tác trong việc ứng phó với các tình hình khu vực và quốc tế.
Về hợp tác kinh tế cho tương lai, hai Thủ tướng ghi nhận rằng hai bên đang soạn thảo Kế hoạch Chiến lược chung 5 năm về quan hệ Đối tác kinh tế chiến lược Thái Lan-Nhật Bản. Một vấn đề mà cả hai đều coi trọng là kết nối chuỗi cung ứng để tiếp tục bao phủ các lĩnh vực khác nhau phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế của hai nước.
Về hợp tác cho sự hồi phục hậu Covid-19, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đánh giá cao chính phủ Nhật Bản đã cung cấp nhiều hình thức hỗ trợ khác nhau cho Thái Lan nhằm giảm bớt tác động của tình hình Covid-19.
Thủ tướng hai nước cũng nhất trí tăng cường hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe để giải quyết Covid-19 cũng như các bệnh mới nổi khác trong tương lai và thúc đẩy việc nới lỏng dần các biện pháp nhập cư phù hợp với diễn biến của tình hình Covid-19 nhằm dần nối lại việc đi lại của người dân hai nước.
Về hợp tác quốc phòng, an ninh và tư pháp, Thủ tướng hai nước nhất trí về việc đàm phán Hiệp ước tương trợ tư pháp trong các vấn đề hình sự nhằm tăng cường hợp tác tư pháp giữa hai nước.
Về hợp tác trong phát triển của tiểu vùng và khu vực, hai bên tái khẳng định quyết tâm phát triển tiểu vùng Mekong, cụ thể là trong việc thúc đẩy kết nối, phát triển nguồn nhân lực và phát triển bền vững trong khuôn khổ Hợp tác Mekong-Nhật Bản và Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS).
Thủ tướng Prayut tái khẳng định cam kết của Thái Lan trong việc tăng cường hợp tác ASEAN-Nhật Bản trên mọi phương diện, trong đó có việc thúc đẩy hợp tác theo Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) và đồng bộ hóa AOIP với chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Nhật Bản (FOIP).
Về hợp tác trong việc ứng phó với các tình hình khu vực và quốc tế, hai Thủ tướng đã trao đổi ý kiến về các vấn đề quốc tế và khu vực quan trọng.
Liên quan đến tình hình ở Ukraine, Thái Lan và Nhật Bản tái khẳng định các nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ, luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.
Cả hai bên bày tỏ lo ngại về sự leo thang căng thẳng và kêu gọi tất cả các bên liên quan ngừng mọi hành động thù địch và bạo lực cũng như thực hiện kiềm chế tối đa. Ngoài ra, Thái Lan đề xuất một cách tiếp cận tương tự để giải quyết tình hình ở Myanmar và coi trọng hỗ trợ nhân đạo cho người dân Myanmar.