📞

Nhật Bản tìm được 'cơ hội tốt' thúc đẩy Sáng kiến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở

Thế Việt 16:09 | 28/04/2021
Ngày 27/4, phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho rằng, năm nay, châu Âu sẽ là “sân khấu chính” của ngoại giao đa phương và đây cũng là cơ hội tốt để Nhật Bản thúc đẩy Sáng kiến “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (FOIP).
Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi cho rằng, năm nay, châu Âu sẽ là 'sân khấu chính' của ngoại giao đa phương và cũng là cơ hội tốt để Tokyo thúc đẩy Sáng kiến 'Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở'. (Nguồn: Reuters)

Ngoại trưởng Motegi thông báo kế hoạch dự kiến từ ngày 29/4-8/5 đi thăm các nước Slovenia, Bosnia và Herzegovina, Anh, Ba Lan, đồng thời tham dự Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại điểm dừng chân London.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Nhật Bản cho rằng, năm nay, châu Âu sẽ là tâm điểm của nhiều hoạt động ngoại giao đa phương với việc Anh đảm nhiệm vị trí Chủ tịch luân phiên của G7 và Italy chủ trì các hội nghị quan trọng của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).

Ngoài ra, trong bối cảnh nhiều nước trong Liên minh châu Âu (EU) đang tỏ ra đặc biệt quan tâm về FOIP, điều quan trọng là Nhật Bản cần thể hiện rõ sự hiện diện tại châu Âu vào thời điểm này.

Liên quan đến nội dung thảo luận tại Hội nghị Ngoại trưởng G7 sắp tới, ông Motegi cho biết, sẽ trao đổi một cách thẳng thắn với đại diện các nước G7 có chung quan điểm giá trị cơ bản về các vấn đề quốc tế và khu vực.

Đây sẽ là hội nghị trực tiếp đầu tiên của các Ngoại trưởng G7 trong vòng 2 năm qua do tác động của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Theo thông báo của nước chủ nhà Anh, ngoài Ngoại trưởng các nước thành viên G7, gồm Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Mỹ và Anh, cùng các quan chức đại diện EU, Ngoại trưởng các nước Ấn Độ, Australia, Hàn Quốc, Nam Phi và Tổng Thư ký Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng sẽ tham gia sự kiện này với tư cách khách mời.

Dự kiến, ngoài tình hình liên quan đến Myanmar, Triều Tiên, các vấn đề cấp bách hiện nay như biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh Covid-19 sẽ là những chủ đề trọng tâm trong chương trình nghị sự của hội nghị lần này.

(theo Kyodo)