Lỗi nhiều như nấm sau mưa
Điểm dễ nhận ra nhất chính là khâu âm thanh. Đa số (nếu không muốn nói là gần như 100%) phim truyền hình hoặc thu tiếng trực tiếp hoặc lồng tiếng đều mắc lỗi này. Nhân vật đi ngoài phố trò chuyện mà âm thanh "trong trẻo" đến lạ kỳ, chẳng hề có chút tạp âm nào của phố xá khiến người xem cứ ngỡ đang xem kịch. Hay xe đang chạy xa dần mà tiếng máy nổ lại ngày một gần, và ngược lại.
Khán giả cũng bất bình ở khâu hóa trang khi đa số diễn viên đều đẹp trong mọi hoàn cảnh, mọi thời điểm. Nhân vật thuộc hai thế hệ khác nhau (cô cháu ruột trong phim Mùa chim én xôn xao) mà chẳng có chút cách biệt gì về ngoại hình do tuổi tác, thậm chí anh chàng cháu trông còn "đứng tuổi" hơn cả người cô...
Tiếp đến là sự phi logic. Ngọc Lan vai An Khê trong phim Tình yêu pha lê là diễn viên múa nhưng lại chẳng có động tác múa nào xem được. Nhiều cảnh quay trong phim Mùa chim én xôn xao rất đáng ngạc nhiên, ví dụ như khi 2 nhân vật vừa gặp nhau ở Sài Gòn, cảnh sau đã tay trong tay ở Vũng Tàu nói tiếp câu chuyện dang dở. Huyền Diệu trong phim Cô gái xấu xí có bằng thạc sĩ nhưng đầu tóc xấu xí, quần áo lôi thôi, chẳng có vẻ gì của một người trí thức thông minh. Hoặc trong phim Một ngày không có em, cảnh Thùy và My bị Lý bắt cóc tống tiền được đạo diễn xử lý khiến người xem thật "ngứa" mắt. Dây cột hai nhân vật cứ như "sợi tơ hồng", chắc sợ hai cô Thanh Ngọc và Quỳnh Anh đau nên chỉ cột cho có, hai tay không hề bị bẻ quặt ra sau thế nhưng cả hai vẫn chịu trận chứ không hề có ý định mở trói.
Chuyện đấm đá trong phim càng buồn cười hơn, chẳng thật chút nào, đó là "múa" chứ chẳng phải đánh nhau. Các cảnh đánh đấm trong Một ngày không có em, Mây trắng ngang trời hay Luật giang hồ là các ví dụ điển hình cho chuyện "múa võ" trên màn ảnh nhỏ. Đặc biệt các màn cận chiến trong bộ phim hình sự Luật giang hồ, cảnh sát ra tay với tội phạm mà y như "múa may". Giao đấu xong, quần áo diễn viên cứ phẳng lì tinh tươm như vừa lấy ở tủ ra.
Phim Mây trắng ngang trời đang chiếu trên HTV7 có nhiều tình huống phi lý: Tím là cô bé mồ côi, sống ở lề đường, công viên, luôn kiên quyết giữ mình trong sạch nhưng sau đó lại dễ dàng ăn cắp chiếc nhẫn của người đang nhận mình làm con nuôi, chỉ để giải quyết chuyện nuôi đứa bé đã nhặt trong công viên. Sau đó lại nhờ người tình đánh cắp con từ nhà người vú. Anh chàng này bị người trong gia đình cưu mang theo dõi chỉ cách có 5 mét mà không hay biết, đến khi ẵm đứa bé chạy trốn, bị những người theo dõi này la làng mà vẫn chạy thoát dù chỉ cách vài bước chân. Chuyện theo dõi kiểu này cũng lặp lại trong phim Luật giang hồ, khi anh chàng Huy Trinh vai cảnh sát hình sự theo sát bọn lưu manh để phá án. Bộ phim lấy chuyện thực từ các vụ án hình sự trọng điểm với các tên cướp khét tiếng một thời như Dũng chim xanh, Phước tám ngón, Hùng bảy búa... nhưng khán giả chẳng thấy trình độ quỷ quái tinh ranh của bọn cướp đầu sỏ đâu mà chỉ rặt trò giật túi xách kiểu cò con, hà hiếp vặt (ăn quịt không trả tiền) và những câu chửi thề, văng tục... Độ tàn bạo của bọn cướp thứ thiệt mà chỉ đến thế hay sao?
Biến đá thành sạn hay ngược lại?
Hollywood cũng có những bộ phim còn "sạn" bị khán giả và hội đồng phê bình điện ảnh chỉ rõ. Với phim truyền hình Việt thì không còn là sạn mà trở thành những cục đá to. Lối làm phim dễ dãi, 1 - 2 ngày xong một tập, cùng với trình độ biên tập yếu kém, đạo diễn non tay nghề, diễn viên diễn như máy để kịp chạy show phim khác thì làm sao tránh khỏi cảnh khán giả ngồi xem phim mà cứ tức anh ách vì các sai sót.
Những lỗi thuộc về tâm lý nhân vật: không nhất quán, không xuyên suốt đúng là do kịch bản yếu kém, khâu biên tập làm không kỹ. Còn những lỗi thuộc về tình tiết, tiểu tiết thì không thể không "quy tội" cho đạo diễn, dựng phim, bộ phận hậu kỳ...
Nếu không tránh được sạn thì cũng đừng để sạn to đến mức trở thành đá. Sẽ không quá khó nếu những người làm phim thực sự chăm chút cho đứa con tinh thần một cách có trách nhiệm và có lương tâm nghề nghiệp hơn. Nếu cứ mãi nhìn thấy vô số lỗi ngô nghê kéo dài hết phim này tới phim khác, lâu dần khán giả sẽ chào thua và quay lưng lại với phim Việt trên màn ảnh truyền hình.
|