Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh ngày càng nhiều người được cho là nộp đơn xin tị nạn tại đất nước "Mặt trời mọc" với mục đích tìm việc làm.
Theo nguồn tin, với quyết định trên, Bộ Tư pháp Nhật Bản sẽ chỉ cấp phép làm việc cho những người được xác định là người tị nạn thật sự.
Nhật Bản sẽ hạn chế cấp phép làm việc với người xin tị nạn từ năm 2018. (Nguồn: Bloomberg) |
Trong khi đó, những người trong diện bị từ chối cấp quy chế tị nạn, như các đối tượng trốn nợ, sẽ không được phép làm việc tại Nhật Bản và sẽ bị trục xuất về nước sau khi hết thời gian được lưu trú.
Cụ thể, theo hệ thống mới dự kiến được áp dụng vào năm tới, Bộ Tư pháp sẽ tiến hành quy trình sàng lọc được đơn giản hóa trong vòng 2 tháng đối với những người có quy chế lưu trú thuộc các hình thức như du học, đào tạo kỹ thuật và thăm ngắn hạn.
Sau đó, những người nộp đơn sẽ được phân loại thành 3 nhóm, gồm những người có khả năng cao được xét tị nạn; những người bị xác định không thực sự tị nạn; và những đối tượng đã nhiều lần nộp đơn xin tị nạn. Nhóm thứ 2 và 3 nhiều khả năng sẽ bị trục xuất.
Số lượng đơn xin tị nạn tại Nhật Bản đã tăng mạnh kể từ khi nước này năm 2010 bắt đầu áp dụng việc cấp phép làm việc cho tất cả những người xin tị nạn 6 tháng sau khi họ nộp đơn.
Theo thống kê, số người xin tị nạn tại quốc gia Đông Á này đã tăng vọt từ 1.202 đơn trong năm 2010 lên 10.901 đơn trong năm 2016 và dự kiến sẽ đạt tới 17.000 đơn trong năm nay. Tuy nhiên, chỉ 28 người được công nhận là người tị nạn thực sự trong năm ngoái, làm dấy lên những tranh cãi quốc tế về việc Nhật Bản khước từ người tị nạn.