Tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư là điểm nghẽn lớn nhất trong quan hệ Nhật-Trung. |
Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại thẳng thắn, hướng tới mục tiêu làm tan băng mối quan hệ bị cản trở bởi di sản cuộc chiến tranh xâm lược của Nhật Bản cũng như những tranh chấp chủ quyền tồn tại giữa hai nước.
Quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới đã trở nên lạnh nhạt khi Trung Quốc cho rằng Nhật Bản miễn cưỡng đưa ra lời xin lỗi về lịch sử thời chiến cũng như những tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Điếu Ngư/ Sankaku trên biển Hoa Đông. Tàu tuần tra và máy bay chiến đấu của hai nước thường xuyên thăm dò gần vùng biển tranh chấp, nhiều người lo ngại rằng nếu một vụ va chạm xảy ra có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột vũ trang giữa hai nước.
Việc Nhật Bản nới lỏng hiến pháp về vấn đề quân sự đã khiến Trung Quốc bất an trong khi đó Nhật Bản cho rằng chính sách quốc phòng của Trung Quốc thiếu tính minh bạch.Thủ tướng Nhật Bản Abe đã có cuộc hội đàm chính thức với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 10/2014. Cuộc gặp đánh dấu bước cải thiện đầu tiên trong quan hệ hai nước và hướng tới việc thành lập một cơ chế quản lý khủng hoảng song phương.
Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Shinsuke Sugiyama cho biết quan hệ Tokyo và Bắc Kinh đang dần được cải thiện nhưng vẫn tồn tại những quan ngại về chính sách quốc phòng của hai bên. Do vậy, cách tốt nhất để hóa giải chúng là tổ chức đối thoại trực tiếp.
“Tôi hy vọng rằng thông qua đối thoại, hai nước sẽ trao đổi ý kiến một cách tích cực, gắn với thực tiễn, đặt những sự khác biệt nhỏ sang một bên vì những lợi ích chung, củng cố lòng tin cũng như tăng cường hợp tác”, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Liu Jianchao nói.
Được biết, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị mới đây nói bóng gió rằng Bắc Kinh chỉ có thể mời Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tham dự lễ diễu binh kỷ niệm 70 năm chiến thắng với những điều kiện nhất định.
Hằng Phạm (theo Channel NewsAsia)