Đã có tiến triển về thỏa thuận biến đổi khí hậu lên quan đến sự ấm lên toàn cầu, nhưng vẫn cần nhiều nỗ lực đáng kể. (Nguồn: F |
Đó là phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Laurent Fabius trong cuộc họp báo ngày 10/11, sau khi kết thúc hội nghị tham vấn không chính thức cấp Bộ trưởng, còn được gọi là "hội nghị trù bị" cho Hội nghị COP 21 diễn ra từ ngày 8-10/11.
Hội nghị có sự tham dự của đại diện hơn 70 quốc gia, trong đó có hơn 60 Bộ trưởng chủ yếu thuộc các Bộ Môi trường và Năng lượng và thư ký điều hành của Hiệp định khung của LHQ về Biến đổi khí hậu (UNFCCC). Hội nghị được coi là cuộc "tổng duyệt" cho Hội nghị COP21 diễn ra từ 30/11-11/12 tại Paris và có mục tiêu “đưa ra những chỉ dẫn cần thiết cho tiến trình đàm phán và những đề xuất về một số vấn đề chính còn tồn tại”.
Vào thời điểm chỉ còn hai tuần nữa là COP 21 diễn ra, Ngoại trưởng Laurent Fabius ghi nhận quyết tâm của các đại biểu nhằm đạt được một thỏa hiệp để có thể đưa đến việc ký kết một văn kiện hoàn chỉnh, mang tính pháp lý thay thế Nghị định thư Kyoto nhằm ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu.
Ông đã liệt kê 5 bước tiến quan trọng trong đó nhấn mạnh vào cơ chế kiểm điểm định kỳ 5 năm một lần và các cam kết ở mức cao hơn của các quốc gia liên quan đến cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Tính đến nay, 146 trong tổng số 195 quốc gia đã đệ trình mức cam kết của mình để cắt giảm khí thải. Các nước này là tác nhân gây ra khoảng 86% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu, theo một báo cáo của Liên hợp quốc hồi tuần trước.
Ông Fabius cũng cho biết, trong 3 ngày diễn ra Hội nghị, Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đã công bố các báo cáo cho thấy, mức độ đe dọa nghiêm trọng đối với con người do tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu.
Theo cảnh báo của WB, hiện tượng Trái Đất ấm lên đã làm gia tăng mất mùa và sẽ đẩy thêm khoảng 100 triệu người vào cảnh đói nghèo. Trong khi đó, WMO cho biết, lượng khí gây hiệu ứng nhà kính tích tụ trong bầu khí quyển đã đạt mức cao kỷ lục trong năm 2014 và nhiều khả năng sẽ lại phá vỡ kỷ lục trong năm 2015, gây ra tình trạng tăng nhiệt toàn cầu.
N.K (tổng hợp)