Tham dự hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành, Trung ương, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT - Ủy ban Quốc gia TKCN; đại diện 18 địa phương miền Trung, Tây Nguyên tham gia bằng hình thức trực tuyến.
Đáng chú ý, hội nghị lần này diễn ra ngay trong lúc tình hình mưa lũ đang diễn biến phức tạp tại Miền Trung, đặc biệt là Bình Định và Quảng Ngãi.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên cần thực hiện thật tốt công tác chuẩn bị theo phương châm 4 tại chỗ, bởi đây là yếu tố quyết định đến hiệu quả công tác ứng phó, phòng chống mưa bão. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
Ngay trong phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã nhấn mạnh “đây là hội nghị vừa rút kinh nghiệm, vừa chỉ đạo ứng phó trực tiếp”.
Tại hội nghị, các địa phương cũng đã cập nhật tình hình mưa lũ trên địa bàn. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các tỉnh miền Trung cần theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chuẩn bị sẵn sàng vật tư, phương tiện để sẵn sàng ứng cứu, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tính mạng và tài sản người dân; hỗ trợ kịp thời lương thực, thuốc men, không để bất cứ người dân nào bị đói, thiếu nước sạch; sẵn sàng triển khai các biện pháp khôi phục sản xuất, vệ sinh môi trường ngay khi lũ rút.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT tổng hợp diễn biến, thiệt hại của mưa lũ tại các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên cho thấy, chỉ tính riêng trong hai đợt mưa lũ vừa qua, đã có 65 người chết và mất tích, gần 200.000 ngôi nhà bị ngập, hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt bị sạt lở, chia cắt, ách tắc nhiều đoạn. Tổng thiệt hại vật chất trên 7.000 tỷ đồng.
Bài học trong chỉ đạo ứng phó
Cái được lớn nhất trong ứng phó với đợt mưa lũ vừa qua chính là sự sâu sát của chính quyền các cấp, sự hưởng ứng, vào cuộc của người dân vùng ngập lụt cũng như sự chung tay đóng góp, chia sẻ khó khăn của đồng bào, nhân dân cả nước - Phát biểu của các địa phương, bộ, ngành và ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã khẳng định điều này.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT - Ủy ban Quốc gia TKCN và các Bộ, ngành đã thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình, diễn biến mưa lũ để có những chỉ đạo, ứng phó, khắc phục hết sức kịp thời. Nhiều đoàn công tác Trung ương đã đi kiểm tra, chỉ đạo khắc phục nhanh hậu quả, tập trung hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại nặng, bảo đảm các nhu cầu cấp bách về lương thực, thuốc phòng, chống dịch bệnh, hóa chất khử trùng…
Các cấp uỷ Đảng, chính quyền các địa phương, cũng đã rất chủ động, làm tốt công tác chuẩn bị phòng ngừa theo phương châm “4 tại chỗ”, tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai kịp thời, có hiệu quả các biện pháp ứng phó qua đó góp phần hạn chế được nhiều thiệt hại.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng biểu dương và đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, đặc biệt là cấp ủy, chính quyền các cấp ở địa phương trong công tác phòng, chống, ứng phó với mưa lũ.
“Tôi đặc biệt đánh giá cao những tổ chức, cá nhân có tinh thần, trách nhiệm hỗ trợ, giúp đỡ người dân miền Trung vượt qua khó khăn do mưa lũ, thể hiện truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc ta”, Phó Thủ tướng nói.
(Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
Khắc phục hậu quả còn chậm
Đánh giá về những điểm cần rút kinh nghiệm, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng trước hết là tình trạng chủ quan, thiếu kỹ năng ứng phó của một số bộ phận người dân, chính quyền cơ sở.
“Những chỉ đạo của các cấp còn chưa được thực hiện triệt để, nghiêm túc. Người dân còn chủ quan, thiếu kỹ năng ứng phó. Việc này chúng ta cũng đã nhắc nhiều lần, chỉ đạo nhiều nhưng vẫn cứ xảy ra”, Phó Thủ tướng nói.
“Chúng ta cần nghiêm túc rút kinh nghiệm để làm tốt hơn nữa công tác phổ biến kiến thức, tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng tránh, ứng phó mưa lũ”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu.
Theo Phó Thủ tướng, việc vận hành điều tiết, xả lũ, cũng như thông tin về vận hành xả lũ của một số hồ chứa còn bất cập, gây khó khăn cho công tác ứng phó ở hạ du. Nhiều hồ thiếu thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn khu vực thượng lưu dẫn tới bị động trong vận hành; việc phối hợp với chính quyền địa phương trong đưa thông tin xả lũ đến người dân còn hạn chế, gây thiệt hại.
Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập, chưa quan tâm đầy đủ đến yếu tố an toàn trước thiên tai, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu làm cho mưa lớn bất thường hơn, làm tăng rủi ro và gây thiệt hại nặng nề khi xảy ra thiên tai.
Trước đó, một số ý kiến thảo luận của các địa phương đã cho thấy, đợt lũ giữa tháng 10 vừa qua đã bộc lộ rõ hệ thống đường giao thông, cầu, cống trên một số quốc lộ, tỉnh lộ, đường sắt Bắc - Nam gây cản trở dòng chảy; một số khu kinh tế, khu công nghiệp, đô thị, khu dân cư... làm co hẹp lòng dẫn thoát lũ. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến lũ lên nhanh, thời gian và độ sâu ngập tăng, thiệt hại tăng.
Cũng theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, công tác khắc phục hậu quả sau thiên tai còn quá chậm, quy trình, thủ tục hỗ trợ rườm rà, chưa kịp thời; nguồn kinh phí hỗ trợ khó khăn, chỉ đáp ứng được phần nhỏ so với yêu cầu của địa phương.
“Ai cũng biết, cũng thấy rõ những điều người dân cần hỗ trợ, nhưng việc triển khai thì chậm, đến khi xong các thủ tục thì đã không cần nữa, không hiệu quả. Cần phải có một cơ chế phù hợp, đảm bảo đúng quy trình, thủ tục nhưng quan trọng nhất là phải kịp thời, hiệu quả”, Phó Thủ tướng nói.
Rà soát quy hoạch để ứng phó với mưa lũ
Là khu vực gần như năm nào cũng chịu thiệt hại do mưa bão, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên cần thực hiện thật tốt công tác chuẩn bị theo phương châm 4 tại chỗ, bởi đây là yếu tố quyết định đến hiệu quả công tác ứng phó, phòng chống mưa bão.
Trước mắt, các địa phương tiếp tục tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ, nhất là kiểm soát vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên người, vật nuôi; huy động các nguồn lực khôi phục công trình thiết yếu, hỗ trợ nhân dân khôi phục sản xuất sớm ổn định đời sống.
Về lâu dài, Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh công tác quy hoạch, trong đó có rà soát, bổ sung, lập mới quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết vùng, địa phương để ứng phó hiệu quả với mưa lũ.
“Phải tiếp tục đẩy nhanh việc xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du các hồ chứa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để làm cơ sở rà soát, điều chỉnh bổ sung các phương án ứng phó với mưa, lũ”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Bộ NN&PTNT chỉ đạo các cơ quan khoa học, phối hợp với địa phương và các cơ quan liên quan bổ sung, cập nhật phương án ứng phó với mưa lũ phù hợp với thực tế; nghiên cứu đánh giá tác động của các hồ thủy điện, thủy lợi, cũng như các công trình hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông để đề ra các giải pháp căn cơ, đảm bảo phòng, chống lũ an toàn, phù hợp với từng giai đoạn hiện nay.
Bộ TN&MT, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT phối hợp với các địa phương kịp thời rà soát điều chỉnh hoặc kiến nghị cấp thẩm quyền điều chỉnh những tồn tại, bất cập trong quy trình vận hành các hồ chứa, liên hồ chứa; Bộ GTVT phối hợp với các địa phương khẩn trương rà soát, có biện pháp phù hợp xử lý các công trình giao thông gây cản trở thoát lũ; Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ NN& PTNT và các địa phương tiếp tục triển khai các dự án bố trí, sắp xếp lại dân cư vùng thường xuyên xảy ra thiên tai, đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương có liên quan rà soát hệ thống các cơ sở, các trạm tìm kiếm cứu nạn để kiến nghị bổ sung, điều chỉnh phù hợp, đảm bảo nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn khi có tình huống thiên tai, nhất là đối với khu vực miền Trung thường xuyên bị ảnh hưởng của mưa lũ.