📞

Nhiều địa phương chấn chỉnh dạy thêm, học thêm và các khoản thu chi đầu năm học

16:41 | 21/09/2023
Nhiều địa phương đã yêu cầu các trường dừng dạy thêm, học thêm, dạy liên kết với trung tâm bên ngoài dưới mọi hình thức và chấn chỉnh các khoản thu chi đầu năm học.
Nhiều địa phương nghiêm cấm các trường học lợi dụng danh nghĩa khoản thu tự nguyện để thu các nguồn phí ngoài quy định.

Lạm thu trong giáo dục là vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm. Do đó, bên cạnh sự chỉ đạo sát sao, kiên quyết chống lạm thu từ ngành giáo dục, các trường, cơ sở giáo dục đã tính toán, cân nhắc đối với những khoản thu từ dạy thêm, học thêm.

Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ đã ban hành công văn về việc chấn chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm. Theo đó, Sở yêu cầu các cơ sở giáo dục nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục trong công tác quản lý dạy thêm, học thêm, nghiêm cấm việc ép học sinh học thêm dưới mọi hình thức.

Tuyệt đối không tổ chức dạy thêm đối với học sinh học buổi chiều 2 buổi/ngày, học sinh tiểu học (ngoại trừ trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống).

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát theo trách nhiệm quản lý; thường xuyên theo dõi, nắm bắt và quản lý cán bộ, giáo viên đơn vị mình tham gia dạy thêm trong và ngoài nhà trường theo quy định về dạy thêm học thêm và các quy định của pháp luật có liên quan. Quản lý, tổ chức có chất lượng dạy và học chính khóa. Trực tiếp tổ chức, quản lý và kiểm tra hoạt động dạy thêm học thêm đối với cán bộ, giáo viên thuộc thẩm quyền quản lý.

Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định cũng có công văn nêu rõ, hiện nay một số cơ sở giáo dục và giáo viên đang tổ chức dạy thêm, học thêm không đúng với các văn bản hướng dẫn, quy định của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT, dẫn đến hoạt động dạy thêm, học thêm chưa thực sự hiệu quả, tạo dư luận không tốt đối với học sinh, phụ huynh và xã hội.

Do đó, Sở GD&ĐT yêu cầu các trường THPT, các phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường trên địa bàn không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm. Học sinh có nhu cầu học thêm tự nguyện viết đơn xin học thêm và được gia đình đồng ý (cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ trực tiếp ký vào đơn). Đặc biệt, không dạy thêm, học thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

Theo Sở GD&ĐT Thanh Hóa, căn cứ quyết định ban hành kế hoạch thời gian năm học 2023-2024 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa và các quy định liên quan, Sở đã có hướng dẫn các sơ sở giáo dục công lập trên địa bàn thực hiện các khoản thu, chi trong trường học năm 2023-2024. Trong đó nhấn mạnh, các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, dạy học làm quen với tiếng Anh nếu có tổ chức thì phải thực hiện ngoài giờ học chính thức, không được chèn vào giờ học chính khóa.

Không vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm; không tổ chức theo lớp học chính khoá. Mức thu tối đa 12.000 đồng/học sinh/tiết học (mỗi tuần không quá 3 tiết học) đối với hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động ngoài giờ chính khoá.

Dạy học làm quen tiếng Anh đối với trẻ mẫu giáo, học sinh tiểu học, thì mức thu tối đa 12.000 đồng/học sinh/tiết học với giáo viên là người Việt Nam; 30.000 đồng/học sinh/tiết học với giáo viên là người nước ngoài.

Với tỉnh Nghệ An, địa phương này cũng đã quyết định tạm dừng việc liên kết dạy kỹ năng sống trong cơ sở giáo dục công lập, đồng thời rà soát các trung tâm, thẩm định chương trình dạy kỹ năng sống. Việc dạy kỹ năng sống cho học sinh vẫn được các nhà trường triển khai thông qua lồng ghép, tích hợp vào các môn học, hoạt động trải nghiệm....

Để kịp thời chấn chỉnh việc nuôi giữ, chăm sóc học sinh tiểu học ngoài giờ học chính khóa tại các cơ sở ngoài nhà trường, Sở GD&ĐT An Giang cũng yêu cầu trưởng phòng GD&ĐT chỉ đạo hiệu trưởng các trường tiểu học tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở triển khai lại các nội dung quy định trước đó cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, phụ huynh học sinh và người dân trên địa bàn biết, thực hiện đúng quy định; không được tổ chức dạy thêm, học thêm dưới bất kỳ hình thức nào tại cơ sở nuôi giữ và chăm sóc học sinh.

Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang và Sở Tài chính đang thực hiện văn bản hướng dẫn liên ngành về việc thu, quản lý, sử dụng kinh phí cho các lớp bán trú trong cơ sở giáo dục, định mức thu, chi trả tiền dạy tiếng Anh tăng cường cấp tiểu học trên địa bàn.

Ngành giáo dục tỉnh Tiền Giang nghiêm cấm các trường học lợi dụng danh nghĩa khoản thu tự nguyện để thu các nguồn phí ngoài quy định. Cùng đó có chỉ đạo về văn bản, ngành tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các khoản thu đầu năm học; xử lý nghiêm trường hợp bị phụ huynh phản ánh xảy ra tình trạng lạm thu.

Để kịp thời chấn chỉnh việc nuôi giữ, chăm sóc học sinh tiểu học ngoài giờ học chính khóa tại các cơ sở ngoài nhà trường, Sở GD&ĐT An Giang yêu cầu trưởng phòng GD&ĐT chỉ đạo hiệu trưởng các trường tiểu học tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở triển khai lại các nội dung quy định trước đó cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, phụ huynh học sinh và người dân trên địa bàn biết, thực hiện đúng quy định.

Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, đúng quy định về hoạt động nuôi giữ, chăm sóc học sinh ngoài giờ học chính khóa; không được tổ chức dạy thêm, học thêm dưới bất kỳ hình thức nào tại cơ sở nuôi giữ và chăm sóc học sinh.

(theo VGP)