Thị trường chứng khoán thời gian qua đã đón nhận thêm nhiều “ông lớn” lên sàn. (Nguồn: Báo Đầu tư) |
Sôi động câu lạc bộ doanh nghiệp tỷ USD
Theo số liệu cập nhật đến ngày 30/6, số lượng doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam đạt mức vốn hóa từ 1 tỷ USD đã tăng từ 38 tổ chức vào cuối năm 2020 lên 45 tổ chức. Giá trị vốn hóa thị trường của nhóm công ty này đã vượt trên 5 triệu tỷ đồng.
Để so sánh, cuối năm 2016, chứng khoán Việt Nam chỉ có 16 doanh nghiệp được định giá từ 1 tỷ USD trở lên, với tổng giá trị vốn hóa chưa đến 1,2 triệu tỷ đồng.
Đã có nhiều thay đổi trong 5 năm qua, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu dẫn đầu. Thị trường chứng khoán đã đón nhận thêm nhiều “ông lớn” lên sàn. Làn sóng cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước đã đưa nhiều tập đoàn, tổng công ty có vốn nhà nước đăng ký giao dịch trên UPCoM như ACV, Lọc hóa dầu Bình Sơn, VEAM, Vinalines… Thậm chí, đã có những doanh nghiệp cổ phần hóa chuyển hẳn niêm yết trên sàn HoSE.
Đề án Cơ cấu lại các hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng với yêu cầu hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần cũng trở thành “cây gậy” thúc các ngân hàng sớm lên sàn.
Trong danh sách 47 doanh nghiệp đạt mức vốn hóa từ 1 tỷ USD tính đến ngày 30/6/2021 thì có tới 17 tổ chức là ngân hàng, trong khi cuối năm 2016, chỉ 3 ngân hàng có vốn nhà nước và Ngân hàng MB đạt được tiêu chí. Ngoài những nhóm đặc thù trên, không ít công ty tư nhân quy mô vốn lớn cũng gia nhập thị trường và trở thành thành viên câu lạc bộ tỷ đô này.
Bên cạnh đó, bản thân các tổ chức niêm yết cũng “trưởng thành”, tăng quy mô vốn điều lệ và nâng cao năng lực tài chính để mở rộng hoạt động kinh doanh. Các nhà đầu tư cũng chấp nhận mức định giá cao hơn. OCB và SeABank là hai tổ chức vừa niêm yết trên HoSE đầu năm 2021. Giá cổ phiếu của 2 “tân binh” này tăng lần lượt 34% và 145% so với giá chào sàn chỉ sau vài tháng.
Chính sách tiền tệ nới lỏng áp dụng tại nhiều quốc gia cùng tình trạng chưa mấy sáng sủa ở nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng của Covid-19 đã khiến dòng tiền lớn đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam, đặc biệt từ nhóm nhà đầu tư cá nhân.
Khi dòng tiền đi tìm địa chỉ giải ngân hiệu quả, cổ phiếu các ngành có triển vọng kinh doanh tốt, đặc biệt là các cổ phiếu đầu ngành, càng được quan tâm. Các nhà đầu tư chấp nhận mức định giá cao hơn để sở hữu cổ phiếu. Nhiều ông lớn trong ngành ngân hàng, bất động sản, sắt thép hay công nghệ đã bứt phá về giá cổ phiếu.
Chỉ trong nửa năm, vốn hóa thị trường của nhiều tổ chức đã tăng gấp mấy lần. Giá cổ phiếu MVN tăng gấp đôi trong nửa tháng đã giúp Vinalines đạt quy mô 26.625 tỷ đồng. Bất động sản Phát Đạt hay LienVietPostBank cũng nâng mức vốn hóa cao gấp hơn 2 lần so với cuối năm 2020.
Tiêu chí thiết yếu để nâng hạng thị trường
Sự gia tăng số lượng doanh nghiệp tỷ USD đã phản ánh quá trình trưởng thành của các hàng hóa trong “chợ” chứng khoán.
Một trong các mục tiêu mà Bộ Tài chính đề ra và cam kết thúc đẩy các giải pháp từ nhiều năm qua là nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, từ thị trường cận biên lên hạng thị trường mới nổi trong các bảng xếp hạng MSCI và FTSE. Tại kỳ xem xét cuối tháng 6 vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam chưa được nâng hạng.
Có nhiều tiêu chí đặt ra để lên hạng thị trường mới nổi, nhưng một trong 3 nhóm tiêu chí chính là chỉ tiêu mang tính chất định lượng, dựa vào chính chất lượng của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán đó.
Cụ thể, theo tiêu chí MSCI đề ra năm 2021, thị trường phải có ít nhất 3 tổ chức niêm yết thỏa mãn đủ điều kiện để vào chỉ số tiêu chí, gồm vốn hóa không thấp hơn 2,34 tỷ USD, vốn hóa cổ phiếu tự do chuyển nhượng không thấp hơn 1,17 tỷ USD và giá trị giao dịch/giá trị vốn hóa tự do chuyển nhượng (ATVR) đạt thấp nhất 15%.
Nếu chỉ xét riêng yếu tố vốn hóa, đã có tới 30 cổ phiếu Việt Nam thỏa mãn điều kiện. Tuy nhiên, xét thêm điều kiện thứ hai, số lượng cổ phiếu đạt tiêu chí giảm còn 1/3. Lý do bởi nhiều doanh nghiệp có cổ đông lớn nắm giữ đa số lượng cổ phiếu đang lưu hành.
Chặng đường nâng hạng thị trường phía trước vẫn còn dài và gian nan. Dù chưa đủ, phía cơ quan quản lý đã có nhiều thay đổi về khung khổ pháp lý và chất lượng của doanh nghiệp niêm yết trên thị trường cũng đã ghi nhận sự chuyển biến.
Báo cáo về hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn, gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán tại buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Tài chính và các đơn vị khối thị trường tài chính thuộc Bộ hồi đầu tháng 6/2021, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, hệ thống quy định mới về cổ phần hóa, thoái vốn đã được ban hành đầy đủ. Việc hoàn tất đầy đủ hướng dẫn các quy định pháp luật liên quan cùng sự thúc đẩy từ phía cơ quan quản lý hứa hẹn sẽ mang thêm nhiều “hàng hóa” chất lượng cho thị trường giai đoạn tới.
Ngoài nhằm thỏa mãn các điều kiện để được nâng hạng, việc có thêm nhiều “ông lớn” tỷ đô sẽ giúp các nhà đầu tư có thêm lựa chọn khi quyết định đầu tư, thu hút dòng tiền vào kênh huy động vốn này. Đây cũng là cơ sở để thị trường có thêm nhiều cổ phiếu thỏa mãn tiêu chí về thanh khoản mà MSCI nêu ra.