Ảnh: Tuấn Anh/TGVN |
Sáng 8/1, tại thành phố Cao Bằng, UBND tỉnh đã tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Chính sách và giải pháp hỗ trợ xuất khẩu hàng nông sản sang thị trường Trung Quốc qua tỉnh Cao Bằng”.
Hội thảo có sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, nhà quản lý, doanh nghiệp đến từ các Bộ, ban, ngành của Việt Nam và từ Trung Quốc như: thành phố Bách Sắc, tỉnh Quảng Tây; các tỉnh: Tứ Xuyên, Trùng Khánh, Hà Nam, Hồ Nam…; các tổ chức quốc tế, trường Đại học…,
Đây là diễn đàn quan trọng để các bên cùng trao đổi, thảo luận về thông tin, kinh nghiệm, phương pháp điều hành chính sách, giải pháp hỗ trợ xuất khẩu hàng nông sản theo hợp đồng thương mại quốc tế sang thị trường Trung Quốc qua tỉnh Cao Bằng.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông sản lớn của Việt Nam, chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam năm 2014. Việt Nam thuộc các quốc gia đứng đầu trong xuất khẩu gạo, rau và quả, cao su và hạt điều vào thị trường Trung Quốc. Nhập khẩu mặt hàng tương ứng từ Việt Nam lần lượt chiếm 63%, 15%, 9% và 98% tổng nhập khẩu các mặt hàng này của Trung Quốc. Ngoài ra, Việt Nam còn xuất khẩu các mặt hàng nằm trong nhóm mặt hàng nhập khẩu chính của Trung Quốc như gỗ, bột giấy, phế thải giấy, xơ dệt và hải sản.
Trong phát biểu dẫn đề Hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại và ông Nguyễn Hoàng Anh, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Cao Bằng đều nhấn mạnh, hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc được thực hiện qua cửa khẩu các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh và một số tỉnh vùng Tây Bắc, trong đó có tỉnh Cao Bằng. Tuy xuất khẩu nông sản từ Việt Nam sang Trung Quốc luôn có mức tăng trưởng cao, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều bất cập như: tính ổn định không cao, giá bán thấp, công nghệ thu hoạch, bảo quản còn lạc hậu…
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Cao Bằng phát biểu dẫn đề Hội thảo. Ảnh: Tuấn Anh/TGVN |
Nguyên nhân chủ yếu của những bất cập đó có yếu tố hành lang pháp lý trong quan hệ thương mại hai nước chưa hoàn thiện, chính sách đặc trưng cho từng vùng để hoàn thành hành lang kinh tế vùng còn thiếu… Ngoài ra, các địa phương, doanh nghiệp, nhà khoa học, người nông dân chưa tham gia vào chuỗi cung ứng các sản phẩm nông nghiệp; thiếu chính sách kiểm định chất lượng, thương hiệu, kênh thông tin…
Từ thực trạng đó, Tiến sĩ Đinh Văn Sơn và ông Nguyễn Hoàng Anh kỳ vọng, các đại biểu sẽ cùng nhau tìm ra các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Trung Quốc, trong đó có biện pháp thúc đẩy thương mại hai nước qua tỉnh Cao Bằng.
Tại phiên họp toàn thể “Tổng quan về thương mại nông sản Việt Nam - Trung Quốc và một số vấn đề đặt ra để thúc đẩy xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc”, Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn nhấn mạnh, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong thời gian qua. Quan hệ thương mại hai nước trong 11 tháng năm 2015 đã đạt hơn 60 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong các cuộc tiếp xúc cấp cao, lãnh đạo hai nước luôn quan tâm, dành nhiều thời gian trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại hai bên tiếp tục phát triển, trong đó có lĩnh vực thương mại hàng nông sản.
Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn phát biểu tại phiên họp Tổng quan. Ảnh: Tuấn Anh/TGVN |
Đánh giá cao việc Cao Bằng chủ động tổ chức Hội thảo này, Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn khẳng định, là cơ quan điều phối quan hệ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực giữa các Bộ, ngành, địa phương hai nước Việt Nam - Trung Quốc, thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục hỗ trợ, ủng hộ các địa phương biên giới tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác thực chất với các địa phương của Trung Quốc, nhất là để Cao Bằng có thể phát huy ưu thế, trở thành một trong những cửa ngõ thông thương quan trọng giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Gần 600 đại biểu đã tham dự Hội thảo quốc tế tại tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Tuấn Anh/TGVN |
Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận để tìm ra các biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thương mại qua biên giới giữa hai nước, nhằm giảm thâm hụt cán cân thương mại, tăng cường lợi ích chính đáng, giảm thiểu rủi ro trong quan hệ thương mại hai bên.
Đặc biệt, đây cũng là cơ hội để tỉnh Cao Bằng quảng bá hình ảnh của tỉnh đối với các địa phương, doanh nghiệp đến từ Trung Quốc cũng như doanh nghiệp Việt Nam, nhằm thu hút hơn nữa lượng hàng hóa thông thương qua địa bàn tỉnh.