Quang cảnh cuộc họp báo tổ chức tại nhà riêng Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam ngày 25/3. (Ảnh: Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Việt Nam) |
Thụy Sỹ, tuy xa mà gần
Phát biểu tại cuộc họp báo, Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam Ivo Sieber cho biết, là một trong số các quốc gia phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, mối quan hệ giữa hai nước đã phát triển theo chiều hướng tốt đẹp mà 50 năm trước không ai có thể tưởng tượng ra.
“Sự phát triển vượt bậc của Việt Nam cùng với cam kết lâu dài của Thụy Sỹ mang lại mối quan hệ hợp tác khiến tôi cảm thấy tự hào khi nhìn lại quãng thời gian qua và tự tin về triển vọng quan hệ này trong tương lai", Đại sứ chia sẻ.
Phát biểu thay mặt Bộ Ngoại giao tại cuộc họp báo, ông Đinh Toàn Thắng, Đại sứ, Vụ trưởng Vụ Châu Âu, cho biết, Thụy Sỹ là quốc gia Tây Âu thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam trong năm đầu thập kỷ 70 thế kỷ trước. Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ và biết ơn sự ủng hộ quý báu của Thụy Sỹ cho công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây, thống nhất đất nước và xây dựng bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay.
Ông Thắng cũng cho biết, trên thực tế, Việt Nam và Thụy Sỹ đã có quan hệ từ rất sớm, ngay từ năm 1954, khi Thụy Sỹ với tư cách nước chủ nhà đã đóng góp vào thành công của Hội nghị Geneva sau đại thắng Điện Biên Phủ 1954.
"Chính vì vậy, Thụy Sỹ tuy xa xôi nhưng lại rất gần gũi và quen thuộc với nhân dân Việt Nam. Ngày nay, nhờ chính sách hội nhập quốc tế sâu rộng, nhờ mối liên kết chính trị, kinh tế, văn hóa, Việt Nam và Thụy Sỹ ngày càng gắn kết chặt chẽ trên con đường phát triển nâng cao mức sống của người dân", ông Thắng nói.
Ông Thắng khẳng định, thành tựu lớn nhất mà Việt Nam và Thụy Sỹ đã đạt được trong nửa thế kỷ qua chính là sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau trên nhiều lĩnh vực, sự chia sẻ những giá trị chung của toàn cầu và đặc biệt là sự gắn kết giữa nhân dân hai nước. Năm 2021 là sự kiện đặc biệt để Việt Nam và Thụy Sỹ cùng nhìn lại và tổng kết chặng đường đã qua, đồng thời xác định những mục tiêu chung hướng tới tương lai.
Phong phú các hoạt động kỉ niệm
Theo Đại sứ Ivo Sieber, Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán Thụy Sỹ tại TP. Hồ Chí Minh sẽ tổ chức một loạt các sự kiện và hoạt động trong năm 2021 để chào mừng dấu mốc đặc biệt trong quan hệ hai nước.
Cụ thể, nếu tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, phía Thụy Sỹ sẽ có một chuyến thăm cấp cao sang Việt Nam vào thời điểm thích hợp trong năm nay. Một sự kiến nổi bật khác là lễ khánh thành Phòng Hội thảo Geneva do Thụy Sỹ tài trợ tại Học viện Ngoại giao Việt Nam, sẽ diễn ra vào cuối năm. Năm 2021 cũng đánh dấu chặng đường 30 năm hợp tác kinh tế và hỗ trợ kỹ thuật, với lễ công bố chương trình hợp tác kinh tế cho giai đoạn 2021-2024, dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 6 tới.
Ngoài ra, còn có nhiều hoạt động văn hóa dự kiến được tổ chức trong năm nay, gồm có: Vở nhạc kịch Chuyện người lính với phần lời do nhà văn Thụy Sỹ Charles Ferdinand Ramuz viết sẽ được trình diễn tại Trung tâm Văn hóa Pháp vào ngày 16-17/4. Và sự kiện các tác phẩm của nghệ sĩ nhiếp ảnh người Thụy Sỹ gốc Việt Nguyễn Thị Mỹ Liên sẽ được trưng bày tại triển lãm “Nghệ thuật nhiếp ảnh châu Âu” trong khuôn khổ sự kiện “Photo Hanoi ’21” từ ngày 8/5-5/6 tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom (VCCA).
Về phía Bộ Ngoại giao, ông Đinh Toàn Thắng cũng cho biết hai bên dự kiến trao đổi đoàn cấp cao khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Ngoài ra, hai bên sẽ phối hợp tổ chức các hoạt động bàn tròn, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Thụy Sỹ; các sự kiện quảng bá giáo dục, đào tạo và Tuần Việt Nam ở Thụy Sỹ với các hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật đặc sắc.
Nhân dịp này, Đại sứ quán Thụy Sỹ cũng giới thiệu với báo chí về Logo 50 năm quan hệ Việt Nam-Thụy Sỹ do Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Việt Nam phối hợp cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sỹ thực hiện.
Việt Nam và Thụy Sỹ thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 11/10/1971 và Đại sứ quán đầu tiên được mở vào năm 1973 trong một văn phòng tại khách sạn Metropole ở Hà Nội.
Mối quan hệ giữa Việt Nam và Thụy Sỹ đã phát triển mạnh mẽ trong nửa thế kỷ qua, không chỉ trong lĩnh vực chính trị và hợp tác đa phương mà còn mở rộng sang hợp tác kinh tế và hỗ trợ kỹ thuật, thương mại và đầu tư, nghiên cứu và khoa học, văn hóa, du lịch, và giao lưu nhân dân giữa hai nước.
Các cuộc trao đổi cấp cao giữa hai nước đã tạo tiền đề cho quan hệ thương mại và đầu tư không ngừng tăng lên. Tính đến năm 2020, tổng vốn đầu tư trực tiếp của Thụy Sỹ vào Việt Nam đạt hơn 1,6 tỷ Franc (hơn 40 nghìn tỷ đồng). Hơn 100 doanh nghiệp Thụy Sỹ đang hoạt động tại Việt Nam.
Tham gia hỗ trợ kỹ thuật và hợp tác kinh tế với Việt Nam từ năm 1991, chính phủ Thụy Sỹ đã hỗ trợ 600 triệu Franc (gần 15 nghìn tỷ đồng) cho phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam. Kể từ năm 2020, thông qua Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia Việt Nam, Thụy Sỹ và Việt Nam cùng tài trợ để mở rộng và đẩy mạnh hợp tác nghiên cữu giữa hai nước.
Đại sứ Lê Linh Lan: Cơ hội và động lực phát triển quan hệ Việt Nam-Thụy Sỹ rất lớn Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1971-2021) và kỷ niệm 30 năm chương trình hợp tác phát triển của Thụy Sỹ đối với Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sỹ Lê Linh Lan đã có bài trả lời phỏng vấn báo chí. Đánh giá về tiềm năng thúc đẩy quan hệ song phương, Đại sứ Lê Linh Lan cho biết trong suốt chiều dài lịch sử nửa thế kỷ mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai quốc gia, mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước đã không ngừng phát triển tích cực trên tất cả các mặt, đặc biệt là trong lĩnh vực chính trị - ngoại giao, thương mại - đầu tư, hợp tác phát triển và giáo dục - đào tạo. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao; hợp tác hiệu quả, ủng hỗ lẫn nhau trong khuôn khổ các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương quốc tế; chia sẻ quan điểm tương đồng về các vấn đề quốc tế như việc đảm bảo hòa bình, ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế và việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững của LHQ.
Cùng với sự phát triển kinh tế năng động của Việt Nam trong những thập kỷ gần đây, hợp tác kinh tế song phương đã tiến triển mạnh mẽ. Thương mại song phương tăng trung bình 15 - 20% mỗi năm. Kim ngạch thương mại song phương có bước phát triển vượt bậc năm 2019 đạt hơn 3,6 tỷ USD, tăng hơn 200% so với 2018. Thụy Sỹ là đối tác thương mại ngày càng quan trọng của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Thụy Sỹ trong số các nước ASEAN. Về đầu tư, tính đến năm 2020, Thụy Sỹ có 152 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 2 tỷ USD, đứng thứ 19/132 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư tại Việt Nam và hiện là nhà đầu tư châu Âu lớn thứ 6 của ta. Các doanh nghiệp của Thụy Sỹ đang kinh doanh tại Việt Nam chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng, chế tạo, chế biến thực phẩm, công nghệ thông tin, dược phẩm, phân phối điện, khí, trong đó có thể kể đến những tập đoàn lớn như Nestlé, Novatis/Ciba - Sandoz (hóa dược), Roche (dược phẩm), Holcim (xi măng)... Về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, Thụy Sỹ nổi tiếng là trung tâm đào tạo có uy tín trong lĩnh vực ngân hàng, du lịch, bảo hiểm và công nghệ cao. Hiện nay có khoảng 150 thực tập sinh, sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam đang theo học tại các trường đại học của nước này. Hai nước đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo trong chuyến thăm Thụy Sỹ của Bộ trưởng Khoa học Công nghệ Chu Ngọc Anh hồi tháng 10/2019. Đánh giá về tính khả thi của việc ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Khối Thương mại tự do châu Âu (EFTA), Đại sứ Lê Linh Lan cho rằng Việt Nam và khối EFTA bao gồm 4 nước Thụy Sỹ, Na Uy, Iceland và Liechtenstein đã trải qua hơn 8 năm (bắt đầu từ 2012) và 16 phiên đàm phán chính thức về FTA. Trong bối cảnh Thụy Sỹ ngày càng coi trọng vai trò của Việt Nam, đánh giá Việt Nam là tấm gương nổi bật kiểm soát tốt đại dịch, đồng thời duy trì tăng trưởng kinh tế năng động, đặc biệt là vị thế hội nhập sâu rộng của Việt Nam sau việc ký kết FTA với Liên minh châu Âu (EU), hai bên đã thống nhất đẩy nhanh tiến trình đàm phán để sớm hoàn tất việc ký hiệp định trên trong năm 2021 khi hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Đại sứ Lê Linh Lan cho rằng, năm 2021 là dịp đặc biệt ý nghĩa để hai nước vui mừng kỷ niệm hành trình nửa thế kỷ của một mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt. Đây cũng là cơ hội để hai bên cùng nỗ lực thúc đẩy hợp tác kinh tế, làm sâu sắc các mối quan hệ thương mại đầu tư, hiện thực hóa những tiềm năng to lớn trong quan hệ giữa hai nước để góp phần khắc phục khó khăn và thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Bà bày tỏ tin tưởng rằng cơ hội và động lực phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước vẫn còn rất lớn trong bối cảnh vị thế của Việt Nam được nâng cao trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu khi hội nhập ngày càng sâu rộng, có vai trò dẫn dắt và tham gia tích cực vào một loạt các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và RCEP. Việc sớm kết thúc đàm phán và ký Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EFTA sẽ là một cú hích quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để thúc đẩy trao đổi thương mại, tăng cường thu hút đầu tư chất lượng cao từ Thụy Sỹ vào Việt Nam, đặc biệt là trong những lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh của Thụy Sỹ như phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong những thập kỷ tới. (theo TTXVN) |