Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân dự Xuân Quê hương 2013. |
Xin Thứ trưởng cho biết những kết quả của hoạt động văn hóa đối ngoại trong hai năm vừa qua?
Trong hai năm 2012 và 2013, công tác Ngoại giao Văn hóa (NGVH) với tư cách là một trong ba trụ cột của nền ngoại giao toàn diện đã phát huy vai trò là một kênh hiệu quả quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam, đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tiếp nối thành công của công tác vận động UNESCO công nhận các danh hiệu mới. Trong hai năm qua, chúng ta đã vận động thành công UNESCO công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại và Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong tổ chức UNESCO, với vai trò là Ủy viên Hội đồng chấp hành nhiệm kỳ 2009-2013, chúng ta đã tham gia tích cực, có trách nhiệm và chủ động cùng phối hợp giải quyết những vấn đề chung của tổ chức, khu vực và thế giới như chia sẻ khó khăn với UNESCO trong cuộc khủng hoảng ngân sách thông qua việc đóng niên liễm trước thời hạn và đăng cai tổ chức một số Hội nghị lớn, đưa ra sáng kiến Mạng lưới xanh liên kết các khu di sản, khu dự trữ sinh quyển của các nước ASEAN…
Đặc biệt, tháng 11/2013, lần đầu tiên, Việt Nam đã trúng cử là thành viên Ủy ban Di sản thế giới đã khẳng định chính sách đúng đắn, sự lựa chọn đúng thời điểm, đồng thời thể hiện sự ủng hộ và đánh giá cao của các nước đối với Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ Ngoại giao đã chủ trì tổ chức thành công rất nhiều sự kiện văn hóa ở cả trong và ngoài nước, trong đó nổi bật là "Tuần Việt Nam tại Italy" (tháng 1/2013) và "Những ngày Việt Nam tại Nhật Bản" (tháng 9/2013) với sự tham gia của đông đảo tầng lớp xã hội và các cơ quan báo chí sở tại, tạo hiệu ứng lan toả rộng rãi không chỉ ở sở tại mà còn trên toàn khu vực. Thành công của sự kiện là kết quả từ sự chủ động tích cực của Bộ Ngoại giao cùng với các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai những hoạt động tổng hợp có hiệu quả thực chất, tiết kiệm để quảng bá, giới thiệu về Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.
Mặc dù đã đạt được nhiều thành công, song không thể phủ nhận rằng công tác NGVH vẫn còn tồn tại những hạn chế như chưa có hệ thống sản phẩm văn hóa tiêu biểu, thiếu vắng hình tượng đại diện quốc gia trong nhiều lĩnh vực dẫn đến các hoạt động văn hóa chưa có chiều sâu và chưa thể hiện được những nét đặc sắc trong văn hóa Việt Nam, cũng như chưa lựa chọn được hình thức quảng bá phù hợp nhất với thị hiếu của bạn bè quốc tế...
Theo ông, tăng cường hội nhập sẽ mang lại những khó khăn và thuận lợi gì cho gìn giữ, phát huy và quảng bá giá trị văn hóa của Việt Nam?
Quá trình hội nhập quốc tế, dù đối với quốc gia lớn hay nhỏ, đều mang đến những tác động thuận và trái chiều. Bất kỳ quốc gia nào khi tham gia vào quá trình hội nhập, đi đôi với cạnh tranh về kinh tế, chính trị, còn là cuộc đấu tranh cam go, phức tạp trên lĩnh vực văn hóa - tư tưởng, vừa đấu tranh chống lại hệ tư tưởng không phù hợp, vừa tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại trên cơ sở giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc.
Tại Việt Nam, hội nhập quốc tế về văn hóa không phải là vấn đề mới, các hoạt động giao lưu văn hóa - tiền đề cho quá trình hội nhập văn hóa - đã được thiết lập cùng với quá trình dựng nước. Nền văn hóa Việt Nam với những nét đặc sắc lâu đời, phong phú, bề dày văn hóa hàng nghìn năm của dân tộc, tạo ra một lợi thế so sánh quý báu trong quá trình hội nhập. Bên cạnh đó, sức hút của Việt Nam nhờ thế và lực của đất nước được tăng cường, khiến nhiều nước, nhiều tổ chức quốc tế quan tâm, muốn tìm hiểu về văn hóa và phong tục tập quán của Việt Nam, cũng là một trong những điểm thuận lợi cho việc phát huy và quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Tuy nhiên, hội nhập quốc tế cũng đang tạo ra những khó khăn, thách thức tới việc gìn giữ, bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Theo thời gian, mặc dù tính đa dạng của văn hóa được làm phong phú thêm nhưng đồng thời cũng đe dọa đến tính thống nhất của văn hóa. Điều này dẫn đến nguy cơ làm mai một nền văn hóa dân tộc, gây tác động xấu tới việc giữ gìn bản sắc dân tộc và đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc xây dựng môi trường văn hóa trong nước lành mạnh và có những giải pháp đồng bộ nhằm ngăn chặn sự xâm lăng về văn hóa…
Vậy, mục tiêu và triển vọng của hoạt động văn hóa đối ngoại trong thời gian tới sẽ tập trung vào những trọng tâm nào?
Trong thời gian tới, thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước, công tác NGVH sẽ tiếp tục được đẩy mạnh với các hoạt động ở cả trong và ngoài nước nhằm đạt được các mục tiêu chính sau đây:
Một là, quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam với thông điệp "một dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình, văn hiến, một đất nước Việt Nam đổi mới, năng động và không ngừng phát triển".
Hai là, thông qua các hoạt động Ngoại giao Văn hóa góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam với các nước và các đối tác nhằm đạt được các mục tiêu đối ngoại chung.
Ba là, thông qua kênh vận động UNESCO công nhận các danh hiệu mới để gìn giữ, bảo tồn các di sản văn hóa của Việt Nam, đồng thời thu hút du lịch, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương và cả nước.
Trong thời đại ngày nay, xu hướng sử dụng linh hoạt sức mạnh mềm của các quốc gia đã trở thành một trong những phương thức và công cụ hiệu quả trong quan hệ quốc tế. Do đó, việc Việt Nam chú trọng và đẩy mạnh các hoạt động NGVH là phù hợp với xu thế chung của thế giới, đóng góp tích cực vào việc thực hiện chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
Về công tác vận động kiều bào, những thành quả quan trọng mà UBNN về NVNONN đã đạt được từ sau Hội nghị Ngoại giao 27 là gì, thưa ông?
Từ sau Hội nghị Ngoại giao 27 (năm 2011), một trong những nội dung công tác trọng tâm được xác định trong Chương trình hành động của Bộ Ngoại giao là tập trung triển khai sâu rộng, toàn diện công tác đối với NVNONN. Trên tinh thần đó, UBNN về NVNONN đẩy mạnh nâng cao chất lượng các hoạt động, triển khai Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ trên tất cả các lĩnh vực và đạt được những kết quả quan trọng.
Công tác vận động kiều bào đã được triển khai tích cực, gắn với các sự kiện chính trị, xã hội lớn của đất nước như: Hội nghị NVNON lần thứ hai (9/2012), Hội nghị Phụ nữ NVNONN lần thứ nhất (11/2013), Chương trình Xuân Quê hương, Giỗ Tổ Hùng Vương, Trại hè Việt Nam, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, lấy ý kiến kiều bào đóng góp cho Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi, tổ chức các đoàn kiều bào đi thăm và tặng quà quân và dân huyện đảo Trường Sa...
Việc Ủy ban tổ chức thành công nhiều đoàn báo chí kiều bào, đặc biệt là có sự tham gia của một số cơ quan truyền thông của người Việt tại Mỹ, về nước tác nghiệp, hợp tác với trong nước... đã tạo được hiệu ứng truyền thông tích cực, góp phần củng cố niềm tin của kiều bào về tình hình đất nước, về chính sách đối ngoại và vấn đề biển đảo...
Công tác dạy và học tiếng Việt được tăng cường một bước với việc lần đầu tiên phối hợp với Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên NVNONN (9/2013) tại Việt Nam nhằm hướng tới gây dựng lực lượng nòng cốt cho phong trào dạy, học tiếng Việt của cộng đồng.
Ủy ban đã làm tốt vai trò cầu nối, giúp đội ngũ trí thức, doanh nhân kiều bào tăng cường liên kết hợp tác với trong nước, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, khoa học công nghệ của Việt Nam như tổ chức Chương trình gặp gỡ doanh nhân VNONN và doanh nhân VN ở trong nước lần thứ 2 và các hội nghị, hội thảo chuyên đề về Doanh nhân kiều bào, Trí thức VNONN...
Lượng kiều hối gửi về nước ngày càng tăng đã đưa Việt Nam trở thành một trong 7 quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất trên thế giới. Đến nay đã có 51 tỉnh, thành phố có các dự án đầu tư của NVNONN với hơn 3.600 doanh nghiệp kiều bào có số vốn đóng góp là 8,6 tỷ USD.
Trong Quý I/2014, UBNN về NVNONN sẽ chủ trì Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với NVNONN để rà soát, đánh giá tổng thể quá trình, kết quả triển khai Nghị quyết và đề ra các phương hướng, biện pháp nhằm nâng tầm công tác đối với NVNONN lên một bước mới, đóng góp hiệu quả hơn cho công cuộc phát triển, hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Khánh Nguyễn (thực hiện)