📞

Nhiều loài linh trưởng ở Việt Nam có nguy cơ tuyệt chủng

08:59 | 01/12/2015
Các chuyên gia linh trưởng trên thế giới vừa công bố danh sách 25 loài linh trưởng nguy cấp toàn cầu, trong đó có nhiều loài ở Việt Nam.
Voọc mũi hếch, một trong những loài linh trưởng phân bố ở Việt Nam đang có nguy cơ tuyệt chủng. (Ảnh: FFI)

Tuần trước, các chuyên gia linh trưởng thế giới đã họp tại Singapore để đánh giá hiện trạng tất cả các loài linh trưởng ở châu Á và thảo luận về danh sách 25 loài linh trưởng nguy cấp nhất. Các chuyên gia đã đánh giá các mối đe dọa của 182 loài linh trưởng ở Trung Quốc, Nam Á và Đông Nam Á, bao gồm cả 25 loài phân bố ở Việt Nam.

Kết quả cho thấy, linh trưởng ở Việt Nam đang ở tình trạng đặc biệt nghiêm trọng. Số loài được xếp ở mức “Cực kỳ nguy cấp” đã tăng lên từ 7 loài (năm 2008) lên 11 loài (năm 2015). Việc có nhiều loài nguy cấp đã làm cho Việt Nam trở thành tâm điểm về đa dạng linh trưởng, cũng như các mối đe dọa mà các loài này đang gặp phải - chủ yếu là săn bắn và mất sinh cảnh. Trừ 1 loài, còn lại 10 loài khác đang được xếp vào mức độ bị đe dọa toàn cầu.

Tổ chức Bảo tồn Động Thực vật hoang dã quốc tế (FFI) – Chương trình Việt Nam đang thực hiện các hoạt động bảo tồn đối với 5 loài: voọc Cát Bà, voọc mũi hếch, vượn Cao Vít, chà vá chân xám và vượn đen tuyền. Tuy nhiên, công tác bảo tồn chắc chắn sẽ cần nhiều nỗ lực hơn nữa.

Tiến sĩ Ben Rawson, Giám đốc FFI và là đồng Trưởng nhóm IUCN SSC khu vực Nam và Đông Nam Á cho biết, những đánh giá mới này càng làm rõ tầm quan trọng của Việt Nam như một trung tâm linh trưởng quan trọng trên toàn cầu. “Các đánh giá cũng nhấn mạnh Việt Nam đang có nguy cơ là quốc gia đầu tiên có linh trưởng bị tuyệt chủng”, ông Rawson cảnh báo. Cho tới nay chưa có ghi nhận về linh trưởng bị tuyệt chủng trong thế kỷ 20 và thế kỷ 21.

Theo Tiến sĩ Lê Khắc Quyết, một trong những nhà linh trưởng học hàng đầu của Việt Nam, để bảo tồn các loài linh trưởng nguy cấp và sinh cảnh của chúng ở Việt Nam, cần tăng cường bảo vệ các quần thể, phục hồi rừng, thực thi pháp luật và thực hiện các nghiên cứu sinh học bảo tồn cũng như thu hút sự tham gia của người dân vào bảo tồn động vật hoang dã.

P.V