Quyết định này được đưa ra sau nhiều năm băn khoăn về kiến trúc độc đáo của tòa nhà - từng được coi là biểu tượng mang phong cách tương lai của Nhật Bản nhưng nay đã rơi vào tình trạng hư hỏng nặng nề.
Được hoàn thành vào năm 1972, tòa tháp bao gồm những "viên nhộng" bê tông rộng 10 mét vuông, với tích hợp các thiết bị và đồ nội thất có sẵn.
Hình thức ấn tượng của tòa nhà. (Nguồn: CNN) |
Tháp Nakagin Capsule được coi hiện thân của phong trào Chuyển hóa luận (metabolism). Đây là một phong trào kiến trúc xuất phát từ sau Thế chiến thứ hai với tầm nhìn mới hướng đến thành phố tương lai của Nhật Bản.
Bên cạnh việc áp dụng công nghệ tân tiến thời bấy giờ, những người tiên phong đã lấy nguồn cảm hứng từ thiên nhiên khi thiết kế cấu trúc của tòa tháp theo kết cấu của sinh vật sống, có thể phát triển và thay thế theo thời gian.
Ông Kisho Kurokawa - nhà thiết kế của tòa nhà, một trong những tín đồ trẻ tuổi nhất của Metabolism, ban đầu dự kiến rằng các “viên nhộng” của tòa tháp sẽ được thay thế sau mỗi 25 năm.
Nhưng thực tế thì, chúng ngày càng trở nên xuống cấp và lỗi thời. Nhiều căn hộ hiện nay còn không có người ở mà thay vào đó được sử dụng để làm kho chứa đồ, văn phòng, hay cho những người có đam mê kiến trúc thuê ngắn hạn.
Năm 2007, cư dân ở khu vực đã bỏ phiếu để bán nơi này cho một nhà phát triển bất động sản có ý định phá bỏ và thay thế tòa tháp. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị ngừng lại khi công ty này tuyên bố phá sản trong cuộc suy thoái năm 2008.
Đến năm 2021, chủ sở hữu và cư dân lần nữa đồng ý bán lại tòa nhà cho công ty bất động sản Capusule Tower Building. Theo người phát ngôn liên doanh Takashi Shindo, kế hoạch phá dỡ dự kiến bắt đầu vào ngày 12/4/2022 và những cư dân cuối cùng của tòa nhà cũng đã chuyển đi vào tháng trước.
Các nhà bảo tồn, trong đó có cả Kurokawa, vẫn hy vọng rằng tòa nhà có thể được cứu, trước khi ông qua đời vào năm 2007. Nhiều chiến dịch đã được tổ chức nhằm kêu gọi bảo vệ cấu trúc tòa nhà như một di sản kiến trúc của Nhật Bản.
Dự án Bảo tồn và Tái tạo Tòa nhà Nakagin Capsule đã kêu gọi, yêu cầu chính quyền thành phố vào cuộc. Thậm chí, tổ chức này còn xem xét việc nộp đơn xin cấp trạng thái cần được bảo vệ lên UNESCO.
Tuy nhiên, theo Tatsuyuki Maeda - thành viên dự án, người đã mua 15 trong số các “viên nhộng” từ năm 2010 đến khi bán tòa nhà vào năm ngoái, cả hai cách tiếp cận trên đều không thành công.
Ông cho hay: “Nhật Bản không có luật bảo tồn loại hình văn hóa kiến trúc này. Thật đáng buồn khi một trong những ví dụ tiêu biểu nhất của đất nước về di sản kiến trúc hiện đại sẽ bị mất".
Maeda cũng cho biết nỗ lực kêu gọi quyên góp từ 2 đến 3 tỷ Yên để cải tạo tòa tháp đã bị cản trở bởi đại dịch Covid-19. Dự án kể từ đó đã chuyển trọng tâm sang gây quỹ để tân trang với hy vọng rằng các tổ chức có thể tìm cách mua các “viên nhộng".
Dự án đã nhận được khoảng 80 yêu cầu, trong đó Trung tâm Pompidou ở Paris đã bày tỏ sự quan tâm đến việc có được một “viên nhộng”. Ngoài ra, Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại ở Saitama, Nhật Bản cũng đã sở hữu một trong số chúng cho bộ sưu tập của mình.
Các nhà bảo tồn hy vọng một số "viên nhộng" có thể được bảo tàng lưu giữ và tái sử dụng hoặc mua lại. (Nguồn: Getty Images) |
Công ty kiến trúc của Kurokawa, hiện vẫn tiếp tục hoạt động sau khi ông qua đời, đã thông báo rằng họ có ý định bảo tồn tòa nhà trong một không gian kỹ thuật số.
Maeda nói: “Chúng tôi quyết tâm bảo quản các “viên nhộng”, ngay cả khi tòa nhà bị phá dỡ, hàng chục “viên nhộng” ít bị lão hóa sẽ được bảo tồn và phục hồi.
Không thể phủ nhận rằng Capsule Tower đã từng nổi tiếng, và nó cũng có một sức thu hút nhất định. Mọi người ở đây đều được sáng tạo theo cách riêng của mình và cộng đồng được hình thành thực sự rất hấp dẫn. Tôi rất buồn khi thấy nó bị phá dỡ, nhưng tôi hy vọng nó sẽ được tồn tại ở một hình thức mới”.