Một người tham gia hành hương lớn tuổi dùng ô để che bớt nắng nóng ngồi nghỉ bên vệ đường hôm 16/6. (Nguồn: Reuters) |
Indonesia - quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới xác nhận đã có ít nhất 165 người thiệt mạng trong cuộc hành hương. Ông Nasrullah Jassam, đại diện Lãnh sự quán Indonesia tại Jeddah thông tin: “Ba người bị say nắng, hầu hết những người còn lại là do có bệnh nền đi kèm”.
Theo số liệu của chính phủ, năm nay, Indonesia có khoảng 240.000 người tham gia cuộc hành trình tới Mecca. Trong số này, gần 45.000 người trên 65 tuổi, một số ở độ tuổi 90. Người hành hương lớn tuổi nhất Indonesia năm nay đã 109 tuổi.
Các video được người dùng mạng xã hội từ Indonesia chia sẻ cho thấy sự thất vọng của một số người tham gia hành hương về nơi ăn chốn ở. Một người dùng Instagram đã đăng một đoạn video cho thấy một cư dân Indonesia đến từ Bogor phản đối việc thiếu chỗ ở tại các khu lều trại, nhiều người buộc phải ngủ trên mặt đất.
Dữ liệu của Bộ Y tế Indonesia cũng cho thấy, năm 2023, 774 trường hợp được báo cáo tử vong, cao gấp 8 lần so với năm 2022.
Malaysia cũng là quốc gia có số lượng người Hồi giáo đông đảo. Theo Bộ trưởng các vấn đề tôn giáo của Malaysia Naim Mokhtar, tính đến 20/6, 14 người hành hương Malaysia đã thiệt mạng và 93 người khác phải điều trị các vấn đề liên quan đến hô hấp do thời tiết khô nóng gây ra, thậm chí cả nhiễm trùng phổi.
Tổng cộng đã có hơn 31.000 người hành hương từ Malaysia tham gia lễ hành hương năm nay, trong đó có cựu Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob.
Theo AFP, hơn 900 người đã tử vong trong điều kiện thời tiết nắng nóng tại lễ hành hương năm nay, trong khi hàng nghìn người được thông báo mất tích. Trước đó một ngày, số người tử vong ở mức 550 người. Thành phố Mecca - thành phố linh thiêng nhất của đạo Hồi - đã ghi nhận nhiệt độ lên tới 51,8°C trong ngày 17/6.
Các nhà khoa học về khí hậu cảnh báo rằng, nắng nóng khắc nghiệt khiến nhiều người hành hương tử vong có thể xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn do cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng tồi tệ.
Các nghi thức truyền thống tại lễ Hajj, trong đó có việc leo lên núi Arafat, đang ngày càng trở nên nguy hiểm đối với sức khỏe của người hành hương trong điều kiện khí hậu hiện nay.
Nhận thức được rủi ro về tình trạng quá tải, giẫm đạp và cung cấp đủ nước và nơi ở dưới cái nắng gay gắt cho dự kiến gần 2 triệu người hành hương trong năm nay, chính quyền Saudi Arabia đã thắt chặt kiểm soát thông qua việc sử dụng ID kỹ thuật số sinh trắc học cho người hành hương để tạo điều kiện nhận dạng và hợp lý hóa các dịch vụ.
Tuy nhiên, giống như mọi năm, hàng chục nghìn người đã cố gắng tham gia hành hương thông qua các con đường không chính thức do không đủ khả năng chi trả cho các chi phí chính thức, làm gia tăng tình trạng quá tải.