📞

Nhiều người mua tìm hàng Việt Nam trên Alibaba.com

12:33 | 30/09/2011
Trong vài năm gần đây, nhiều người mua trên trang thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba.com đang tìm đến hàng hoá của Việt Nam, Thái Lan, Malaysia,…thay vì chỉ tập trung vào Trung Quốc như trước, theo đại diện của Alibaba.com.
Một đại diên của Alibaba.com đang hướng dẫn doanh nghiệp Việt Nam trình bày trang mạng để thu hút người mua.

Ông Timothy Leung, giám đốc kênh bán hàng của Alibaba (Hong Kong) cho biết trong buổi gặp gỡ với doanh nghiệp hôm 29/9 tại TP.HCM, trong 5 năm gần đây, nhiều khách hàng muốn mua hàng từ các nước ASEAN, như Việt Nam, vì họ không muốn phụ thuộc vào một mình Trung Quốc nữa.

Cũng có lý do khác là hiện chi phí sản xuất tại Trung Quốc đang tăng cao. Ngoài ra, do suy thoái kinh tế, nên người mua (các khách hàng mua sỉ - PV) thay vì đặt số lượng lớn, hiện đã cắt giảm lượng hàng cho mỗi đơn hàng và muốn đa dạng sản phẩm, nên chuyển sang hàng hoá của Việt Nam, Thái Lan, theo ông Michael Mang, giám đốc bộ phận phát triển kinh doanh và dịch vụ người mua (Hong Kong).

Tại cuộc gặp doanh nghiệp ở TP.HCM, ông Michael Mang cũng đưa ra một danh sách những khách hàng muốn mua sản phẩm của Việt Nam trên trang Alibaba.com, như Next muốn mua áo vest và quần, H&M SWE muốn mua đồ lót, PVH muốn mua áo nam,…

Ngoài ra, các sản phẩm của Việt Nam mà người mua là các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng muốn mua qua trang mạng Alibaba.com xếp theo ngành là thực phẩm, nông sản, bất động sản, khoáng sản, may mặc và các sản phẩm da, hoá chất, đồ gỗ, đóng gói và in ấn.

Theo ông Trần Xuân Thuỷ, giám đốc của Alibaba.com tại Việt Nam, trang thương mại điện tử này giới thiệu khách hàng đến doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, việc thẩm định khách hàng chủ yếu do doanh nghiệp Việt Nam tự thực hiện.

Tham gia Alibaba.com từ năm 2001, hiện 80% lượng khách hàng của công ty thủ công mỹ nghệ Tre Làng (Living bamboo Co., Ltd.) là qua sự giới thiệu của Alibaba. Theo ông Trần Ngô Khánh Thạnh, giám đốc của công ty Tre Làng, mỗi ngày, ông nhận được thư điện tử hỏi mua hàng từ khoảng 10 đối tượng. Trong đó, có từ 1-2 yêu cầu là có giá trị, 2-3 yêu cầu có nhiều khả năng là lừa đảo, và còn lại là thư rác.

Ông Thạnh cho biết, trước đây, lúc mới tham gia Alibaba.com và nhận được các thư hỏi mua hàng, ông phải trả lời hết, nên rất mất thời gian. Tuy nhiên, sau đó, ông liên hệ để kiểm tra thông tin và biết được cũng có những đối tượng lừa đảo, nên không trả lời những thư từ mà ông thấy là không đáng tin, như không có đầy đủ địa chỉ liên hệ, hay có mà gọi điện liên lạc không được.

Tính đến giữa tháng 6/2011, có khoảng 182.000 doanh nghiệp Việt Nam rao bán sản phẩm trên trang thương mại điện tử Alibaba.com.

Theo Saigon Times