Hình ảnh tại nhà máy lớn Gree của Trung Quốc ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ngày 16/8/2021. (Nguồn: China Daily) |
Theo một cuộc khảo sát do chính phủ Trung Quốc được công bố cuối tuần qua, hoạt động chế tạo đã giảm tháng thứ hai liên tiếp, xuống 49,2 điểm trong tháng Mười so với mức 49,6 điểm của tháng Chín (mốc 50 là ngưỡng phân định giữa tăng trưởng và thu hẹp).
Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đã phải đối mặt với một loạt vấn đề, bao gồm sự sụt giảm nguồn cung năng lượng, tình trạng chậm trễ trong vận chuyển và lượng hàng tồn kho ngày càng tăng.
Mitul Kotecha, chiến lược gia chính tại công ty môi giới đầu tư TD Securities của Canada, cho rằng động lực kinh tế đang chậm lại một cách nhanh chóng và áp lực trong chuỗi cung ứng càng làm nghiêm trọng thêm điểm yếu này.
Cuộc khủng hoảng về vận tải biển đã tạo ra sự hỗn loạn trên toàn cầu, với nhiều doanh nghiệp lớn gần đây phải thừa nhận rằng tình trạng tắc nghẽn tại các cảng, thiếu linh kiện và chi phí cao hơn đang làm tổn hại đến hoạt động kinh doanh họ.
Tình hình khó khăn này sẽ đè nặng lên quý cuối cùng của năm, vốn là thời điểm kinh doanh quan trọng đối với nhiều nhà bán lẻ.
Bên cạnh đó, nhà kinh tế Sheana Yue, tại cơ quan phân tích kinh tế Capital Economics của Anh, lưu ý thêm rằng thiếu nguồn cung điện, nguyên liệu và đà tăng của chi phí đầu vào đã kìm hãm sản lượng chế tạo. Khi chi phí cho nguyên liệu tiếp tục tăng trên toàn thế giới, các nhà phân tích dự báo tình trạng tắc nghẽn nguồn cung sẽ tiếp tục kéo dài trong năm tới.
Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp để giải quyết một số vấn đề. Ví dụ, vào đầu tháng trước, Trung Quốc đã ra yêu cầu các mỏ than tăng sản lượng, chỉ vài tháng sau khi ra sắc lệnh hạn chế khí thải carbon. Song, các nhà phân tích cho rằng những nỗ lực này không mang lại hiệu quả ngay lập tức.
Theo chiến lược gia Ken Cheung Kin Tai tại tổ chức tài chính Mizuho (Nhật Bản), các biện pháp mạnh mẽ của chính phủ nhằm kiềm chế đà tăng của giá than và thúc đẩy sản xuất nguồn tài nguyên này có thể mất nhiều thời gian để giải quyết tình trạng thiếu điện.
Trong khi đó, chỉ số về hoạt động trong lĩnh vực phi sản xuất đã giảm xuống 52,4 điểm trong tháng Mười so với mức 53,2 điểm trong tháng Chín. Đây là dấu hiệu cho thấy nhu cầu tiêu dùng vẫn là vấn đề gây lo ngại.
Theo chiến lược gia Yue, dựa trên số liệu trong lĩnh vực dịch vụ, đà phục hồi của hoạt động tiêu dùng trong mùa Hè đang bắt đầu chậm lại.