Nhỏ Bình thường Lớn

Nhiều nước châu Âu ủng hộ gói cứu trợ Hy Lạp

Trong nội bộ Liên minh châu Âu (EU), những tiếng nói ủng hộ gói cứu trợ thứ ba cho Hy Lạp đang ngày càng nhiều hơn.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras có được sự ủng hộ ở Quốc hội về gói cứu trợ mới. (Nguồn: AFP)

Hôm 18/8, với 297 phiếu thuận/20 phiếu chống, Quốc hội Tây Ban Nha đã thông qua Nghị quyêt ủng hộ Hy Lạp theo đề xuất của Chính phủ nước này. Theo đó, Madrid sẽ đóng góp khoảng 10 tỷ Euro vào chương trình cứu trợ cho Hy Lạp.

Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha Luis de Guindos tuyên bố, nước này ủng hộ chương trình cứu trợ mới cho Hy Lạp bởi chủ trương của Chính phủ Tây Ban Nha là giữ Hy Lạp lại trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Cũng trong ngày 18/8, lần lượt cơ quan lập pháp hai nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) là Áo và Estonia cũng đã thông qua quyết định ủng hộ gói cứu trợ cho Hy Lạp.

Các nước châu Âu đang lần lượt phê chuẩn gói cứu trợ mới cho Hy Lạp. (Nguồn: AFP)


Trong ngày hôm nay (19/8), Hà Lan và Đức sẽ tiếp tục biểu quyết về gói cứu trợ trị giá lên tới 86 tỷ Euro này cho Athens. Mặc dù đã có 56 nghị sĩ trong liên đảng bảo thủ CDU/CSU của Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố bỏ phiếu chống thoả thuận, song giới quan sát cho rằng, gói cứu trợ sẽ dễ dàng được thông qua với số phiếu ủng hộ áp đảo tại Quốc hội Đức.

Hôm 14/8, Eurogroup - nhóm các Bộ trưởng tài chính các nước thuộc Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) - cùng ngày đã nhất trí thông qua gói cứu trợ tài chính thứ 3 cho Hy Lạp. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cho biết, một gói cứu trợ mới trị giá lên tới 86 tỷ Euro sẽ được cung cấp cho Hy Lạp trong 3 năm tới. Đổi lại, Hy Lạp phải thực hiện các cải cách kinh tế như cam kết, mặc dù những cam kết cải cách này được cho là khó đạt được như kỳ vọng.

Sau đó, Quốc hội Hy Lạp đã nhanh chóng thông qua việc chấp nhận gói cứu trợ này với tỷ lệ áp đảo 222 phiếu thuận, 78 phiếu chống, dù theo bình luận của nhiều chuyên gia, đây không phải là phép màu cho người dân Hy Lạp và tương lai chính trị của Thủ tướng Alexis Tsipras.

Về kinh tế, việc tăng thuế nhiều khả năng sẽ càng khiến xã hội Hy Lạp trở nên căng thẳng sau giai đoạn khó khăn vừa qua. Trong khi đó, việc thúc đẩy tư hữu hóa, với việc cổ phần hóa các cảng biển lớn cũng như hệ thống đường sắt quốc gia được cho là một hình thức phụ thuộc chặt chẽ hơn nữa về chính sách kinh tế vào Liên minh châu Âu (EU).

Về chính trị, đảng Syriza cầm quyền đang mất đa số ở Quốc hội và một cuộc bầu cử trước thời hạn có khả năng sẽ diễn ra vào đầu năm tới, đẩy tình hình chính trị Hy Lạp vào tình trạng xáo trộn nghiêm trọng và khiến đất nước này chìm sâu hơn trong suy thoái.

Tuy nhiên, tiền cứu trợ lúc này vẫn rất quan trọng và Athens khó lòng có lựa chọn nào khác khi ngày mai (20/8) tới là hạn chót mà Hy Lạp phải trả 3,2 tỷ Euro cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Phú Hà (tổng hợp)