📞

Nhiều vụ xâm hại trẻ em bị "chìm" do định kiến xã hội

16:54 | 08/12/2017
Nhiều chuyên gia cho rằng, khi xác minh các vụ xâm hại tình dục trẻ em gặp nhiều khó khăn do nạn nhân chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi sự “dán nhãn” của xã hội.  Vì vậy, chính điều này tạo áp lực rất lớn cho trẻ trong quá trình lấy lời khai.

Nhiều vụ xâm hại trẻ em bị "chìm xuồng"

Theo số liệu do đại diện Bộ Công an công bố tại hội thảo "Phòng chống xâm hại tình dục trẻ em - Từ Luật pháp, chính sách đến thực tiễn" ngày 7/12, tại Hà Nội, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2017, hơn 600 vụ xâm hại trẻ em xảy ra trên toàn quốc. Điều đáng báo động là chỉ có 10 vụ được xét xử. Trong số 1.000 vụ xâm hại tình dục, số trẻ em gái ở độ tuổi 12-15 chiếm tới 57,46%, số trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại chiếm tới 13,2%. 

Trước những số liệu trên, bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về giới (CSAGA) nhận định, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em không chỉ là cư dân vùng quê nghèo, kém phát triển, mà còn là những người có khả năng tài chính và trình độ văn hóa.

Đề cập đến các vụ án xâm hại trẻ em thường bị “chìm xuồng”, bà Nguyễn Vân Anh cho rằng, nguyên nhân nằm ở tâm lý e ngại của gia đình nạn nhân khi nhắc đến vấn đề nhạy cảm. Bên cạnh đó, quá trình điều tra, xét xử còn mất nhiều thời gian, thủ tục và bản án nếu có cũng chưa thích đáng. Bên cạnh đó, sự kỳ thị, xa lánh của cộng đồng khiến những nạn nhân không dám hoặc không muốn lên tiếng.

Đồng quan điểm, ông Hoàng Anh Tuyên (Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao) cho rằng, đây là vấn nạn chung đối với trẻ em trên toàn cầu. Đối tượng xâm hại có thể là thầy giáo, bảo vệ trường học, những người thân trong gia đình, người quen của gia đình, hàng xóm...

Ông Khổng Ngọc Oanh, Trưởng phòng P6/C45, Cục cảnh sát hình sự - Bộ Công an. (Ảnh: Trần Ngọc)

Tuy nhiên, cũng có những khó khăn như tố giác muộn, không có đủ thông tin cần thiết, không còn dấu vết hoặc dấu vết không có giá trị chứng minh. Thứ hai, việc thu thập, đánh giá chứng cứ rất khó khăn. Đôi khi, vụ án chỉ có lời khai của người bị hại, còn đối tượng không nhận lỗi, không có nhân chứng trực tiếp. Thứ ba, việc đánh giá chứng cứ, tội danh của các cơ quan chức năng không khớp do nhận thức khác nhau về các quy định pháp luật...

Theo ông Hoàng Anh Tuyên, loại tội phạm này ngày càng tinh vi, khó phát hiện, người phạm tội cố tình xóa dấu vết, đe dọa hoặc khống chế nạn nhân. Nhận thức của người bị hại (trẻ em) còn non nớt, khai báo không đầy đủ... khiến kéo dài thời gian điều tra. Bên cạnh đó, cơ chế phối hợp hoạt động giữa các cơ quan y tế, giáo dục, tư pháp với cơ quan quản lý Nhà nước cũng chưa có để phát hiện và xử lý kịp thời các vụ việc.

Nói về giải pháp, ông Hoàng Anh Tuyên cho rằng, cần tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra. Thứ hai, nâng cao chất lượng công tác thu thập chứng cứ. Nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trách nhiệm, bản lĩnh nghề nghiệp, rèn luyện phẩm chất đạo đức của cán bộ, Kiểm sát viên. Tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát trong ngành Kiểm sát, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Nạn nhân bị “dán nhãn” của xã hội

Ông Khổng Ngọc Oanh, Trưởng phòng P6/C45, Cục cảnh sát hình sự - Bộ Công an cho biết, trong số 1.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em có tới 58% trẻ em gái ở độ tuổi 12-15, số trẻ dưới 6 tuổi chiếm hơn 13%. 80% trẻ em gái là nạn nhân của các vụ xâm hại. Tình hình xâm hại trẻ em trên môi trường mạng cũng có những diễn biến phức tạp, ước tính có gần 2/3 số vụ. Đối tượng sử dụng các phương tiện công nghệ cao, các trang mạng xã hội để dụ dỗ, lừa dạt xâm hại tình dục, mua bán trẻ em, mại dâm và khiêu dâm trẻ em.

Ảnh minh họa: Trẻ em cần được học các kỹ năng tự bảo vệ mình. (Nguồn: Báo Quảng Ninh)

Hiện có rất ít số vụ án xâm hại trẻ em đưa được ra xét xử do đối tượng xâm hại thường là người thân, quen với nạn nhân. Nhiều nạn nhân và người thân không dám tố giác hoặc tố giác muộn, chấp nhận dàn xếp, xử lý nội bộ. Do đó, dẫn đến cản trở trong thu thập tài liệu, chứng cứ. Đặc biệt, hầu hết các vụ xâm hại trẻ em xảy ra ở nơi vắng vẻ nên khó thu thập chứng cứ sinh học.

Ông Khổng Ngọc Oanh nhận định, nạn nhân bị xâm hại tình dục là nhóm trẻ em nhỏ tuổi, nhiều em dưới 10 tuổi. Đó là lứa tuổi non nớt, không có khả năng tự vệ, dễ dàng bị đối tượng lợi dụng dụ dỗ, cưỡng bức xâm hại. Thứ hai là nhóm những em gái, nữ sinh mới lớn, tâm lý tò mò thích cái mới xong chưa có kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử, kiến thức về quan hệ giới tính, cộng với sự thiếu quan tâm, quản lý của gia đình, nhà trường… 

Nhiều chuyên gia cho rằng, khó khăn trong xác minh ở chỗ, nạn nhân bị xâm hại tình dục luôn phải chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi sự “dán nhãn” của xã hội. Vì vậy, chính điều này tạo áp lực rất lớn cho trẻ trong quá trình lấy lời khai.

Trong khi đó, không ít cán bộ công an, kiểm sát viên còn ít tuổi, chưa được đào tạo tập huấn, không có nhiều kinh nghiệm cũng như yếu kém trong kỹ năng làm việc với trẻ. Từ đó khiến trẻ sợ hãi, căng thẳng vì nghĩ rằng mình là kẻ phạm tội.

Ngoài ra, do sự dàn xếp, thỏa thuận giữa gia đình nạn nhân và đối tượng, sau một thời gian thỏa thuận không đạt mới tố giác, gây khó khăn cho việc xác minh điều tra. Đồng thời, chính tâm lý xấu hổ, sợ ảnh hưởng đến tương lai khiến trẻ em và người thân mặc cảm, không muốn tố giác, né tránh cộng tác hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, không chính xác.

Qua đó, ông Khổng Ngọc Oanh cho rằng, nên đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Trong đó, có tuyên truyền về trách nhiệm của gia đình cũng như cộng đồng và mọi người dân trước hành vi xâm hại tình dục trẻ em.

Bằng kinh nghiệm của mình, luật sư Nguyễn Văn Tú cho rằng, công tác lấy lời khai nạn nhân bị xâm hại tình dục còn chưa thực sự tốt. Ông lý giải, do khả năng ngôn ngữ của trẻ em còn nhiều hạn chế. Phần lớn nạn nhân lại phải trình bày vụ việc bằng lời nói, không toát lên được đầy đủ bản chất những nỗi đau mà chúng phải chịu đựng.

“Vì vậy, cán bộ lấy lời khai nên dùng nhiều phương pháp, gồm cả ngôn ngữ cơ thể. Cần có sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý nghiên cứu đánh giá phản ứng, hành vi của các em, tốt hơn là lắng nghe trình bày”, luật sư Tú chia sẻ.