TIN LIÊN QUAN | |
Đổi mới toàn diện từ thực tế doanh nghiệp Việt | |
Đổi mới, chấn hưng giáo dục phải từ cơ sở |
1.Cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng những năm cuối thập kỷ 70 đến cuối thập kỷ 80 trong thế kỷ XX diễn ra ở Việt Nam là có thật và sâu sắc. Cuộc khủng hoảng này đặt Đảng Cộng sản Việt Nam trước nhiệm vụ lịch sử vô cùng hệ trọng và khó khăn: Phải tạo được bước ngoặt sửa sai cơ bản, trước hết trên lĩnh vực kinh tế và cả với tổng thể đường lối.
Tình hình khủng hoảng ngày càng trầm trọng đòi hỏi không chỉ phải tháo gỡ những khó khăn cụ thể trong thực tiễn mà cần phải có những đột phá lớn về tư duy kinh tế. Sau nhiều cố gắng cải thiện mô hình cũ - với nhiều phong trào, nhiều chiến dịch, giương lên nhiều “lá cờ” cả trong kinh tế và trên lĩnh vực tư tưởng (mà không có kết quả), tình hình ngày càng bế tắc, những bộ óc thực tế đã nhận ra rằng không thể tiếp tục duy ý chí. Nhiều quan điểm bảo thủ, nhiều định kiến về kinh tế hàng hóa, về tư sản,... đã dần lùi bước trước cái nhìn thực tế và tự tin hơn về kinh tế thị trường, về hợp tác đa phương và hội nhập.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Quang Hòa) |
Đổi mới ở Việt Nam diễn ra trong bối cảnh mô hình CNXH được xây dựng ở các nước trong hệ thống XHCN trước đây đã hiện rõ những trì trệ, bất ổn, báo hiệu nguy cơ khủng hoảng và sụp đổ đang hiện hữu rất gần. Vào cuối những năm 80, đầu những năm 90, về đối ngoại, Việt Nam có những bước đột phá cơ bản: rút hết quân khỏi Campuchia, bình thường hóa quan hệ Việt-Trung. Về đối nội, chúng ta đã chấm dứt nạn thiếu đói kinh niên, xóa bỏ tem phiếu, lạm phát được chặn đứng và có những tiến bộ đặc biệt ấn tượng trong xuất khẩu.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân - Viện Chiến lược Quốc phòng: “Không một quốc gia nào có thể một mình/tự mình giải quyết vấn đề an ninh - quốc phòng phi truyền thống, xuyên quốc gia. Để có thể ứng phó trước các thách thức an ninh - quốc phòng phi truyền thống, Việt Nam cần huy động sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, xây dựng thế trận toàn dân đồng thời với việc tăng cường đoàn kết, mở rộng đối thoại quốc tế - đặc biệt và trước hết là trên các diễn đàn khu vực để cùng tạo một cấu trúc an ninh khu vực mạnh có thể đối phó với các thách thức an ninh chung, giữ vững hòa bình để phát triển đất nước, giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đồng thời góp phần củng cố hòa bình, ổn định trong khu vực”. |
Cùng thời gian đó, cuộc Cải tổ ở Liên Xô (đã diễn ra từ năm 1985) vẫn còn gặp nhiều bế tắc và rồi Liên bang Xô viết tan rã (12/1991). Ở Trung Quốc, sự kiện Thiên An Môn ngày 4/6/1989 để lại nhiều hệ lụy và ảnh hưởng mạnh đến phát triển kinh tế. Chỉ có Việt Nam duy trì được ổn định, dù trải qua nhiều gian nan. Khi hệ thống các nước XHCN Đông Âu sụp đổ trong hỗn loạn, thành công của Việt Nam đã được đánh giá là “ngoạn mục”.
2. Đổi mới ở Việt Nam đã diễn ra như một tất yếu, xuất phát từ những bức xúc bên trong. Việt Nam có tham khảo những bài học của các nước trong “phe” XHCN, song không áp dụng máy móc, cũng không có “cú hích” từ bên ngoài. Chính những khó khăn, bế tắc đã buộc các cơ sở phải trăn trở, bươn chải tìm lối thoát, phải “bung ra”. Đối phó với hội chứng “kinh tế thiếu hụt” ngày càng trầm trọng, cán bộ, nhân dân ở một số địa phương đã tìm cách “phá rào”, luồn lách qua những “khe hở hẹp” của cơ chế để hoạt động có hiệu quả hơn, để thoát khỏi bế tắc đói nghèo đang vây hãm.
Trong cả chặng đường vật lộn, trăn trở trước Đổi mới, thực tiễn đã vượt trước chính sách. Chính thực tiễn Đổi mới ban đầu sinh động từ các cơ sở, các địa phương đã cung cấp tư liệu quan trọng cho việc hình thành đường lối Đổi mới toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau khi “phá rào” thành công, nhiều “hàng rào” đã được xử lý thay vì xử lý “kẻ phá rào”.
Toàn cảnh Hội thảo về 30 năm Đổi mới. (Ảnh: Quang Hòa) |
Có thể nêu một dẫn chứng điển hình là Tổng Bí thư Trường Chinh. Năm 1968, ông là người quyết định đình chỉ “khoán hộ” ở Vĩnh Phúc. Đến năm 1980, ông đã ủng hộ khoán ở Hải Phòng và những năm 1984 - 1985 là người đi đầu trong việc tìm tòi đổi mới tư duy.
GS Vũ Dương Ninh Đại học KHXH & NV Hà Nội: “Trước những chuyển biến nhanh chóng của nền kinh tế, con người Việt Nam chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của xã hội công nghệ hiện đại, chưa thích nghi với những đòi hỏi của một quốc gia công nghiệp. Vì vậy, Đại hội Đảng lần thứ XII khẳng định 1 trong 6 nhiệm vụ trọng tâm là: “Phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh”, coi việc “đổi mới toàn diện và căn bản giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” là một trong ba “đột phá chiến lược” của Đảng hiện nay”. |
Nhìn toàn cục, ban đầu những cuộc “bung ra” “phá rào” từ cơ sở, địa phương đều không bài bản, chỉ là những giải pháp cụ thể để ứng phó với những tình huống cụ thể trong thực tiễn, chưa có người “chủ xướng” ở tầm quốc gia. Nhưng sau một thời gian (từ năm 1979 đến năm 1986), thực tiễn đã chứng minh và đòi hỏi rằng: Cần thiết và có thể đổi mới toàn diện. Những điều này đã tạo nên bước chuyển biến quyết định trong tư duy lãnh đạo, từ những người giữ cương vị cao nhất của Đảng - đánh dấu chính thức và mạnh mẽ từ Đại hội Đảng lần thứ VI (12/1986).
Thực tiễn đã bác bỏ các ảo tưởng. Cho đến Đổi mới, thực tiễn đã cho thấy không còn có thể duy ý chí. Những thiếu hụt, thất bại đã diễn ra đều chứng tỏ nguyên lý rằng: Phải tôn trọng quy luật khách quan về mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất.
3. Đổi mới đã ghi nhận một Đảng Cộng sản cầm quyền đã vượt qua những sai lầm của chính mình, nhận thức được tình thế và có được giải pháp thuận theo quy luật để vượt qua khủng hoảng, đưa nền kinh tế vào thế ổn định và phát triển đúng hướng, và đạt nhiều thành tựu. Thành công đó đã được đánh giá là “kỳ diệu”, “bất ngờ”, “khó hiểu ngay cả với người trong cuộc”... Thành công này cũng được đánh giá là “cao nhất có thể đạt được xét theo những khả năng hiện thực trong điều kiện lịch sử”. Thành công này thuận với ý nguyện của nhân dân và hợp với xu hướng phát triển của thời đại.
Những bài học lịch sử từ 30 năm Đổi mới trong việc xây dựng và điều chỉnh để đường lối lãnh đạo đúng đắn hơn là tài sản quý để Đảng Cộng sản Việt Nam phát huy, tiếp tục có những thành công trong công cuộc Đổi mới. Trong bối cảnh mới cả trong nước và quốc tế, Việt Nam còn (và luôn sẽ còn) nhiều việc cần làm để ứng phó thành công với những khó khăn, thậm chí là nguy cơ, thách thức trước nhiều vấn đề “nóng” trong nước cùng những vấn đề toàn cầu.
Ảnh: Quang Hòa |
Sau 30 năm Đổi mới, Việt Nam đã chính thức bước vào “sân chơi” lớn cùng hai sự kiện: Cộng đồng ASEAN chính thức thành lập (31/12/2015) và Hiệp định TPP được ký kết (4/2016). Việt Nam đã thể hiện những nỗ lực tham gia của mình trong cả hai sự kiện này. Sự nghiệp Đổi mới không thể dừng lại mà cần tiếp tục với tinh thần mới trong bối cảnh mới nếu chúng ta không muốn bị tụt hậu.
Phát biểu tại Hội thảo, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng: “Cần tăng thêm động lực để tiếp tục Đổi mới. Việt Nam cần phải có cái nhìn chiến lược, phải giải quyết được cả những vấn đề đang đặt ra trong ngắn hạn, trung hạn, và dài hạn. Chỉ khi có được một chiến lược tốt mới bảo đảm có được những thành công trong tương lai”.
Trong bối cảnh quốc tế vận động nhanh chóng và phức tạp, những đòi hỏi bức bách từ thực tiễn, thể hiện xu thế tiến bộ cũng đang tạo những cơ hội mới, đồng thời cũng tạo ra những tiêu chí để sàng lọc, kiểm chứng tính đúng đắn của đường lối và cả phương pháp hoạch định đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bài học thực tiễn từ lịch sử Đổi mới trong việc xây dựng và điều chỉnh để đường lối lãnh đạo đúng đắn hơn vẫn cần được Đảng Cộng sản Việt Nam coi trọng và phát huy để tiếp tục Đổi mới, Đổi mới hơn nữa trong chặng đường mới.
Hội thảo 30 năm đổi mới: Thành tựu, bài học và triển vọng Sáng 8/10, tại Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội và Quỹ Konrad ... |
Thụy Điển mong muốn hợp tác đổi mới sáng tạo với Việt Nam Ngày 6/10, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn đã tiếp Bộ trưởng Thương mại và Đặc trách EU của Thụy ... |
Ký thỏa thuận tài trợ cho các chuyên gia nước ngoài Ngày 22/09, Ban Quản lý Dự án Đẩy mạnh Đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học và công nghệ (FIRST) ký thỏa ... |